Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 225.438.920 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, trong đó có 4.643.418 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 363.455 và 5.670 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 201.977.702 người, 18.819.174 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 103.191 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 35.326 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (31.260 ca) và Anh (29.173 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 788 người chết, tiếp theo là Mexico (675 ca) và Iran (487 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 41.853.238 người, trong đó có 677.985 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.263.428 ca nhiễm, bao gồm 442.898 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.999.779 ca bệnh và 586.851 ca tử vong.
Mỹ sẽ công bố biện pháp mới kiểm soát dịch trước Đại hội đồng LHQ
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố các bước đi mới nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch COVID-19 trước khi Đại hội đồng Liên hợp Quốc nhóm họp. Đây là thông báo của Tổng Y sĩ Vivek Murthy ngày 12/9. Kỳ họp tiếp theo của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ khai mạc ngày 14/9. Phiên thảo luận toàn thể đầu tiên sẽ diễn ra vào tuần kế tiếp.
Phát biểu với CNN, ông Murthy cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm mở rộng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều biện pháp nữa, đặc biệt là trên mặt trận toàn cầu”. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể các biện pháp mới là gì.
Hôm 9/9, Tổng thống Biden đã có bài phát biểu về kế hoạch bao gồm 6 mũi nhọn để ngăn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Đáng chú ý, kế hoạch này bao gồm một sắc lệnh yêu cầu toàn bộ các nhân viên liên bang và các nhà thầu của chính phủ phải tiêm chủng, hoặc phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cũng như chịu một số hạn chế khác như bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc.
Cho đến nay, mới chỉ có hơn 53% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, tức khoảng 2/3 số người trưởng thành, trong khi nước này hiện ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tính đến nay, đã có hơn 673 nghìn người Mỹ tử vong vì COVID-19.
Anh bỏ kế hoạch "hộ chiếu vaccine" tại vùng England
Ngày 12/9, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid xác nhận chính phủ nước này đã quyết định bỏ kế hoạch bắt buộc mọi người dân ở vùng England phải trình "hộ chiếu vacicne" nếu muốn tham gia các sự kiện đông người như các buổi tập trung tại các câu lạc bộ đêm.
Phát biểu trên BBC, Bộ trưởng Y tế Anh cho biết chính phủ nhận thấy biện pháp trên là không cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, dẫn chứng về tỷ lệ người đi tiêm phòng COVID-19 thời gian gần đây tăng đều đặn. Trước đó, Chính phủ Anh từng thông báo việc triển khai kế hoạch này sẽ được công bố vào cuối tháng 10 dù vấp phải sự phản đối từ phía các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh hộp đêm và từ một số nghị sĩ của đảng Bảo thủ cầm quyền. Hiện Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho hơn 80% người dân trên 16 tuổi và dự kiến sẽ sớm công bố quyết định về việc có tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi hay không.
Phát biểu cùng ngày trên Sky News, ông Javid cũng cho biết trong tuần tới, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đề xuất các kế hoạch để ứng phó với đại dịch COVID-19 trong những tháng Thu - Đông sắp tới, để ngỏ rằng chính phủ có thể sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nhờ chiến dịch tiêm phòng. Theo đó trong các kế hoạch sắp được công bố, chính phủ sẽ làm rõ hơn về hiệu quả của chương trình tiêm phòng COVID-19 tại quốc gia này.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Blackburn, Anh, ngày 18/6/2021. |
Bộ trưởng Y tế Anh cũng bày tỏ hy vọng rằng Anh sẽ không phải phong tỏa thêm bất kỳ lần nào khác để ngăn chặn dịch COVID-19. Ông khẳng định chính phủ tất nhiên vẫn sẽ thận trọng và có một số biện pháp hạn chế sẽ vẫn được duy trì, đặc biệt là trong các hoạt động đi lại. Theo ông Javid, yêu cầu xét nghiệm PCR với những người trở về Anh từ một số quốc gia nhất định là điều mà ông mong sớm dỡ bỏ nhất khi có thể.
Thủ tướng Đức kêu gọi hưởng ứng "tuần lễ tiêm phòng"
Tại Đức, ngày 12/9, Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi người dân nước này hưởng ứng chiến dịch tuần lễ tiêm phòng COVID-19 để đến tiêm miễn phí tại nhiều địa điểm công cộng trên cả nước.
Hiện Chính phủ Đức đang triển khai chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng quy mô lớn để khuyến khích những người dân vẫn còn do dự đi tiêm phòng COVID-19. Chiến dịch được thực hiện trong bối cảnh Berlin lo ngại tỷ lệ 62% người dân được tiêm phòng đầy đủ hiện nay là chưa đủ an toàn để giúp tránh được làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng vào mùa Đông tới.
Trong bài phát biểu hằng tuần mới nhất, Thủ tướng Merkel cho biết từ ngày 13/9, người dân có thể tiêm phòng mà không cần đặt lịch hẹn trước tại các điểm giao thông công cộng, các địa điểm chơi thể thao hoặc những địa điểm tôn giáo. Bà khẳng định với chiến dịch này, việc tiêm phòng COVID-19 chưa bao giờ dễ dàng và nhanh chóng đến thế.
Đến nay, Đức đã ghi nhận khoảng 4 triệu ca bệnh, trong đó hơn 90.000 người đã tử vong. Bà Merkel cho rằng dù các tỷ lệ 66% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi và 62% dân số được tiêm đầy đủ là những con số đáng khích lệ nhưng hiện số ca mắc vẫn tiếp tục tăng và hầu hết các ca nhập viện đều là những người chưa tiêm phòng. Vì vậy, để vượt qua mùa Thu - Đông tới một cách an toàn thì cần thêm nhiều người được tiêm phòng. Bà kêu gọi người dân hãy hành động để bảo vệ chính mình và những người xung quanh bằng cách đi tiêm phòng.
Trung Quốc: Phong tỏa thị trấn có hàng chục ca cộng đồng
Cùng ngày 12/9, Trung Quốc đại lục thông báo ghi nhận 20 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại tỉnh Phúc Kiến, miền Đông nước này và 26 ca nhập cảnh. Không có ca tử vong nào trong 24 giờ qua.
Chính quyền huyện Tiên Du, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, đã khoanh vùng thị trấn Fengting là vùng có nguy cơ cao về COVID-19 sau khi ghi nhận các ca mắc mới COVID-19 tại đây. Chính quyền huyện đã đề nghị người dân làm việc ở nhà, đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng và cấm tập trung đông người. Các hoạt động vui chơi, giải trí trong không gian kín như các viện bảo tàng và rạp chiếu phim cũng bị đóng cửa. Lượng người đi siêu thị hoặc tới các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu khác cũng bị hạn chế.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Phủ Điền cũng đã thông báo giải trình tự bộ gien của 19 ca mắc COVID-19 cho thấy các bệnh nhân đều nhiễm biến thể Delta.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc là 1.755 ca, giảm 110 ca so với ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới tại Hàn Quốc vẫn ở mức trên 1.000 ca/ngày trong suốt 68 ngày qua. Thủ đô Seoul vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất, với 656 ca.
New Zealand mua vaccine từ Đan Mạch
Tại New Zealand, số ca mắc mới của nước này trong 24 giờ qua là 23 ca, trong đó có 20 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Auckland và 3 ca ghi nhận ở biên giới.
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết đã ký thỏa thuận với Đan Mạch mua bổ sung 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Dự kiến số vaccine này sẽ được chuyển tới New Zealand trong những ngày tới. Theo bà Ardern, số vaccine bổ sung này có thể giúp New Zealand duy trì tốc độ tiêm chủng hiện nay, đồng thời khuyến khích người dân trên 12 tuổi đi tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Australia có các phương pháp điều trị hiệu quả
Các bác sĩ Australia cho biết các bệnh viện của nước này cũng đã có một số phương pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Theo đó, loại thuốc điều trị hiệu quả nhất, dễ sử dụng nhất hiện nay là Dexamethasone, một loại thuốc chống viêm. Loại thuốc này hiện đang được sử dụng thường xuyên cho những người mắc COVID-19 phải nhập viện, cần phải thở oxy. Các loại thuốc khác cũng được sử dụng bao gồm Remdesivir, Tocilizumab và một vài loại khác, tất cả đều có bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Trong khi Remdesivir và Dexamethasone vốn được bào chế để điều trị các bệnh khác, nhưng được chuyển đổi mục đích sử dụng để điều trị COVID-19, đã có những loại thuốc điều trị mới đang cho thấy những kết quả hứa hẹn.
Tháng trước, Cơ quan Quản lý y tế Australia đã phê duyệt Sotrovimab, một liệu pháp kháng thể đơn dòng bắt chước hệ thống miễn dịch của cơ thể người và ngăn chặn hoặc làm chậm lại sự phát triển của virus SARS-CoV-2, không cho chúng nhân lên trong cơ thể. Cơ quan Thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 của Australia (ASCOT) đang đánh giá một loại thuốc mới khác, có tên là Nafamostat, hiện được sử dụng ở Hàn Quốc và Nhật Bản cho các mục đích điều trị khác. Các thí nghiệm cho thấy loại thuốc này có khả năng chống lại virus SARS COV-2 rất mạnh. ASCOT hy vọng khi được sử dụng ở người, Nafamostat sẽ có tác dụng trực tiếp đến virus, ngăn chúng tái tạo.
Malaysia: Ca tử vong mới cao kỷ lục; từng bước mở lại trường học
Ngày 12/9, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 592 ca tử vong - mức cao nhất trong một ngày từ trước đến nay, đưa tổng số người không qua khỏi tại quốc gia Đông Nam Á này lên 20.419. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 19.550 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 19.53 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.960.500 ca.
Trong một diễn biến khác, từ ngày 3/10 tới, Bộ Giáo dục Malaysia sẽ thực hiện hệ thống đến trường luân phiên theo tuần đối với học sinh tiểu học và trung học để các em có thể trở lại trường học.
Cụ thể, chỉ có 50% tổng số học sinh có thể đến trường. Theo kế hoạch của Bộ, mỗi lớp học sẽ được chia thành hai nhóm - một nhóm đến trường và một nhóm học trực tuyến (PdPR). Những học sinh học tại nhà sẽ được thông báo về các chủ đề cần học và các tài liệu hỗ trợ có sẵn trên YouTube và trên kênh truyền hình DidikTV. Sau một tuần, những học sinh theo học trực tiếp tại trường sẽ học trực tuyến và việc luân chuyển tiếp tục cho đến khi kết thúc kỳ học.
Học sinh đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. |
Kế hoạch phục hồi quốc gia của Malaysia gồm 4 giai đoạn. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 2 bang là Kedah và Johor là đang ở giai đoạn 1 do số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày vẫn cao và tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng chưa đạt 70% số người trưởng thành. Trong khi đã có 10 bang và vùng lãnh thổ liên bang được chuyển sang giai đoạn 2, có 3 bang đang ở giai đoạn 3 và 1 vùng lãnh thổ liên bang ở giai đoạn 4 – số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức thấp, trên 80% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng và đạt được miễn dịch cộng đồng.
Philippines lại dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới
Philippines lại đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại, liên tiếp dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới trong ngày. Sau khi lập kỷ lục ca mắc mới kể từ khi dịch bùng phát, với 26.303 ca trong ngày 11/9, ngày 12/9, Philippines lại ghi nhận số ca nhiễm mới đứng đầu các nước ASEAN, với 21.441 ca.
Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do đại dịch COVID-19.
Sắc lệnh của Tổng thống Duterte cũng lưu ý tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.
Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 12/9, Philippines đã ghi nhận 2.227.367 ca mắc COVID-19, trong đó có 35.145 ca tử vong.
Indonesia giảm mạnh cả ca nhiễm và tử vong
Tình hình dịch bệnh tại Indonesia có thêm tín hiệu lạc quan khi ca nhiễm và tử vong hàng ngày tiếp tục đà giảm. Ngày 12/9 nước này chỉ ghi nhận 3.779 ca nhiễm mới, thấp hơn nhiều điểm nóng khác trong khu vực và 188 ca tử vong.
Mặc dù vậy, tờ Jakarta Post cảnh báo, trong khi Indonesia đã dần khống chế được dịch và tạo ra cơ hội để mở cửa trở lại nền kinh tế thì chính phủ vẫn cần thận trọng để không tái phạm sai lầm và chuẩn bị cho làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây phân loại biến thể B1621 của virus SARS-CoV-2, còn được gọi là biến thể Mu, là một biến thể đáng quan tâm (VOI), bên cạnh các VOI hiện có như Eta, Iota, Kappa và Lambda. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia trong tháng 1 và đã lây lan đến 40 quốc gia.
Bộ Y tế Indonesia thông báo dựa trên giải trình tự cả bộ gien ngày 6/9, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Mu được phát hiện tại nước này. Tuy nhiên, Jakarta Post cho rằng với dân số lên tới 270 triệu người, Indonesia vẫn có hạn chế trong xét nghiệm bộ gien. Tờ báo đề xuất chính phủ nước này không nên lơ là và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại, chờ đợi để tấn công khi Indonesia dễ tổn thương nhất.
Lào siết chặt các biện pháp phòng dịch
Trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, một số tỉnh của Lào đã siết chặt các biện pháp phòng ngừa COVID-19 sau khi ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Chính quyền tỉnh Savannakhet vừa yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt nhiều biện pháp phòng chống lây nhiễm dịch COVID-19 như cấm người dân ra vào vùng đỏ, đặc biệt là ở thành phố Kaysone Phomvihan - nơi đang có nhiều bản ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố cũng đặt lệnh giới nghiêm từ 20h đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ những trường hợp có lý do đặc biệt.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Luang Prabang cũng đã có cuộc họp khẩn để xem xét các biện pháp phản ứng với tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Tỉnh Salavan ở miền Nam Lào thiết lập các chốt kiểm soát giao thông nhằm tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về đi lại và phòng dịch của người dân sau khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 ở Lào, ngày 12/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 217 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 121 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 17.357 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Theo TTXVN