Theo báo cáo của Arts Economics được Tổ chức Nghệ thuật châu Âu (Maastricht, Hà Lan) công bố mới đây, doanh thu bán các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ trên thế giới tăng 8% trong năm ngoái, đạt 47,4 tỷ euro (65,9 tỷ USD), gần chạm tới mốc kỷ lục 48 tỷ euro đạt được trong năm 2007.
Giá trị giao dịch của các tác phẩm thời kỳ sau chiến tranh và đương đại tăng 11% so với năm 2012, đạt mức cao nhất trong các kỳ đấu giá với giá trị 4,9 tỷ euro dành cho tác phẩm của các nghệ sỹ như Francis bacon, Roy Lichtenstein và Andy Warhol.
Với doanh thu tăng 25% trong năm ngoái, Mỹ khẳng định vị trí đứng đầu trong thị trường nghệ thuật với thị phần 38% tính theo khối lượng, tăng 5% so với năm 2012.
Clare McAndrew - một tác giả của báo cáo - cho biết, hầu hết các tác phẩm đắt tiền nhất được bán ra ở New York. Khách hàng không chỉ là người Mỹ mà còn đến từ Châu Mỹ La tinh và Châu Á.
Trung Quốc chiếm lĩnh 24% thị trường nghệ thuật, giảm 2% và Anh đứng vị trí thứ 3 với 20% thị phần.
Với ngày càng nhiều người trở thành triệu phú và tỷ phú, doanh thu bán các tác phẩm nghệ thuật ngày càng tăng trưởng mạnh. Theo ước tính, có khoảng 32 triệu triệu phú trên toàn cầu trong năm ngoái, trong đó có 42% ở Mỹ. Cũng trong số này, có ít nhất 600 nghìn triệu phú đam mê sưu tầm nghệ thuật.
Trung Quốc là nền kinh tế mới nổi lớn nhất tham gia vào thị trường nghệ thuật và đã từng dành vị trí đứng đầu trong năm 2011 về doanh thu bán hàng, nhưng sau đó đã để mất vị trí này vào tay Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết doanh thu bán tác phẩm nghệ thuật qua mạng tăng trưởng rất nhanh trong năm 2013 và đạt 2,5 tỷ euro, ước tính con số này sẽ đạt 10 tỷ euro đến năm 2020./.
Mai Linh (theo Bloomberg)