Dự báo, nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng trong các quý tiếp theo và đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra trong năm 2019 là 6,6% - 6,8%.
GDP quý I/2019 ước tăng 6,79%
Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018, nhưng cao hơn mức tăng trưởng quý I các năm từ 2011 - 2017. Cụ thể, trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
Quý I/2019, cả nước có 28.451 DN đăng ký thành lập mới và hơn 15.050 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên trên 43,5 nghìn DN.
Theo lý giải của ông Nguyễn Bích Lâm, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%. Ngành xây dựng duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Trong ngành dịch vụ, đóng góp cao nhất là lĩnh vực bán buôn - bán lẻ, theo sau là dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và hoạt động bất động sản.Ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài thì với mức tăng trưởng 6,79% vẫn là kết quả ấn tượng đối với nền kinh tế Việt Nam. Điểm nổi bật của bức tranh kinh tế quý I/2019 là nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019 ở mức 2,63%. “Lạm phát được kiểm soát do thời gian qua chúng ta đã chuẩn bị nguồn hàng rất tốt trong các dịp lễ, tết, không để xảy ra tình trạng cầu vượt cung. Hơn nữa, chúng ta quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường trong nhiều năm gần đây thành công, cho nên đã kiểm soát được lạm phát như kỳ vọng”, ông Lâm nói.
“Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt và tỷ giá hối đoái trung tâm trong biên độ cộng trừ 3%, cho nên khi có thay đổi về lãi suất, về giá của các đồng ngoại tệ lớn đều không ảnh hưởng đến đồng nội tệ của Việt Nam. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng để giúp chúng ta kiểm soát lạm phát”, ông Lâm phân tích thêm.
Cũng theo ông Lâm, quý I/2019 môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, DN thành lập mới tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đó cũng là căn cứ để nền kinh tế phát triển trong các quý tiếp theo. Ngoài ra, một điểm sáng đáng lưu ý là tổng cầu nền kinh tế và mức thu nhập của người dân đã tăng, đây cũng là căn cứ để đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng của người dân, kích thích sản xuất kinh doanh.
DN tin tưởng nền kinh tế quý II “sáng” hơn quý I
Với những điểm sáng nêu trên, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định nền kinh tế Việt Nam trong quý II và các quý vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. “Chúng tôi đã khảo sát các DN khu vực chế biến, chế tạo về xu hướng kinh doanh quý II/2019. Các DN khu vực này đều tin tưởng bức tranh kinh tế quý II sẽ sáng hơn quý I, thể hiện đơn đặt hàng xuất khẩu nhiều hơn, tốt hơn. Quý I và trong quý II các DN sẽ mở rộng quy mô lao động..., ông Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể điều hành nền kinh tế để tháo gỡ khó khăn, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. “Đầu tư công sẽ có mức lan tỏa rất lớn đối với đầu tư tư nhân. Theo tính toán, tăng 1% đầu tư công sẽ làm tăng 1,37% đầu tư tư nhân”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng dự báo, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn như tiếp tục đối mặt với những thách thức: giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, công nghiệp chế biến chế tạo khó duy trì cùng kỳ năm trước, thời tiết hạn hán, dịch bệnh, cùng với đó là tăng trưởng chậm lại của một số hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều. Bên cạnh đó, xăng dầu thế giới biến động, xu hướng lãi suất biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế cũng tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kì vọng thị trường…
Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,6% - 6,8% như kế hoạch đặt ra và thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, thời gian tới Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện vai trò nhà nước kiến tạo, tiếp tục tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, hoàn thiện môi trường pháp lý để đầu tư công được đẩy mạnh và đầu tư tư nhân sẽ được thúc đẩy. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tìm kiếm thị trường cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước, bởi nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, nên cần thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó, coi trọng nhu cầu của thị trường trong nước với khẩu hiệu “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước…
Nam Khánh