Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Đức Minh |
Tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.
Chính phủ đã áp dụng những giải pháp tài khóa hợp lýVới chính sách này, mặc dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam lại đang trong giai đoạn vàng về xuất siêu, điều này cho thấy Chính phủ đã áp dụng những giải pháp tài khóa hợp lý. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh |
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, những thành tựu này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam".
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, chủ đề của diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với từng địa phương, của quốc gia trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2024 gặp nhiều khó khăn, thách thức thì các chính sách tài chính góp phần thúc đẩy tổng cầu, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới là hết sức cần thiết.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam khẳng định, UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt được quá trình chuyển đổi xanh, bền vững và công bằng, bao gồm huy động các khoản đầu tư tài chính công và tư, thúc đẩy các quan hệ đối tác quốc tế để thực hiện các tham vọng của Cam kết do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững, GIZ Việt Nam, Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2024 là cơ hội tuyệt vời để thảo luận về các chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. GIZ có 30 năm kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, trong đó bao gồm tăng cường quản lý tài chính công. Thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính và các đối tác trong công tác xây dựng chính sách và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về quản lý hiệu quả nguồn lực công, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế cũng như phát triển bền vững.
Nhận diện rủi ro, thách thức
GS.TS Jonathan London, Cố vấn Kinh tế của UNDP cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, tuy nhiên kinh tế Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức. "Chúng ta không chỉ nghiên cứu vượt qua thách thức, mà đây còn là cơ hội để biến thách thức thành cơ hội. Từ đó, tạo ra chính sách tài chính chiến lược cao hơn, sáng tạo hơn định vị Việt Nam trong thời điểm phát triển đến năm 2045”, GS.TS Jonathan London nhận định.
Vậy làm thế nào để Việt Nam ứng phó với những thách thức đó, GS.TS Jonathan London khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế, cải cách chính sách thuế, tăng nguồn thu, mở rộng không gian tài khóa, phát triển thị trường vốn.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm vàng để tăng cường hợp tác quốc tế. Việt Nam đã tạo ra nhiều thay đổi định hướng hòa nhập cộng đồng quốc tế, và quá trình này đã có những thay đổi tích cực.
Chia sẻ tại diễn đàn liên quan đến chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng, từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ, trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường kích thích nhu cầu của thị trường thông qua các biện pháp tài khóa, trong đó các chính sách về miễn, giảm và giãn thuế đóng vai trò quan trọng.
Theo đó, chỉ tính trong thời gian từ 2020 đến nay, trung bình mỗi năm các giải pháp hỗ trợ về thuế đã chiếm khoảng 10 - 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Đây là một tỷ lệ khá lớn và phản ánh tính hiệu quả của các chính sách tài khóa trong việc duy trì hoạt động kinh tế. "Các chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và người dân, giúp họ vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Ngoài việc, cắt giảm thuế để kích cầu, ngành Thuế còn triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác quản lý thuế, như thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai hóa đơn điện tử. Các giải pháp này giúp tăng cường hiệu quả quản lý thuế.
Về thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi với việc cho phép mặt hàng phân bón chịu thuế 5%; hay thuế với khu chế xuất… đã không chỉ cho thấy Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kiên định các giải pháp khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước, mà còn tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tận dụng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
BÀ VŨ HOÀNG QUYÊN - CHUYÊN GIA CAO CẤP NGÂN HÀNG THẾ GIỚI TẠI VỆT NAM: Phát huy tính chủ đạo của ngân sách trung ương, chủ động ngân sách địa phương Theo tổng kết của Ngân hàng Thế giới, có 13 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thần kỳ như Việt Nam thì đều có mẫu số chung là đảm bảo về lượng đầu tư công. Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có sự tái cơ cấu ngân sách, huy động được nguồn lực mạnh cho đầu tư công. Ngoài ra, cần đa dạng hóa nguồn tài trợ cho doanh nghiệp. Các công ty ở nhiều quy mô và giai đoạn phát triển khác nhau có thể khai thác thị trường vốn như một giải pháp thay thế cho tín dụng ngân hàng truyền thống. Cùng với đó, có thể thực hiện cải cách tài chính toàn diện. Phát triển các công cụ tài trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Để thúc đẩy tổng cầu, Việt Nam cần phát huy tính chủ đạo của ngân sách trung ương; tính chủ động của ngân sách địa phương và cuối cùng là liên kết vốn ngân sách trung ương và địa phương theo chiều dọc, chiều ngang. |
ÔNG. JOCHEN SCHMITTMANN - ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ IMF TẠI VIỆT NAM, LÀO, CAMPUCHIA: Chủ động ứng phó với những bất ổn Trước những khó khăn, thách thức đặt ra với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đưa ra các chính sách rất thận trọng và phù hợp nhằm duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, tiền tệ. Đây là điều mà Việt Nam đã làm rất tốt. Việt Nam còn dư địa để sử dụng các các biện pháp về tài khóa, thúc đẩy đầu tư công, tăng cường đầu tư cho xã hội, bảo đảm an sinh xã hội... Để giữ ổn định nền kinh tế, Việt Nam cần tập trung ứng phó với những nhân tố không chắc chắn gây bất ổn định cho nền kinh tế, đặc biệt là giải quyết những điểm yếu của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường, ngoài ra, nó còn gây ra tâm lý bất an cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Bởi vậy, cần thêm giải pháp nhằm giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, bởi khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, cần thu hút được thêm nhiều các nhà đầu tư. Cùng với đó, liên quan đến đầu tư công cần cải thiện quy trình thẩm định, lựa chọn dự án, cần có phương án rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, cải thiện quy trình lập kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm tiếp theo. Với các dự án có tính quan trọng cũng cần xem xét kỹ hơn với quy trình đóng dự án. |
ÔNG DƯƠNG BÁ ĐỨC - VỤ TRƯỞNG VỤ ĐẦU TƯ (BỘ TÀI CHÍNH): Đầu tư công - kênh đảm bảo thúc đẩy nền kinh tế Trong điều kiện kinh tế hội nhập diễn biến nhiều phức tạp, đầu tư công là kênh đảm bảo thúc đẩy nền kinh tế. Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm về giao thông, liên kết vùng, tạo không gian cho các vùng động lực phát triển. Đặc biệt là những năm 2023, 2024, Chính phủ đã dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công. Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được những kết quả tích cực; trong đó vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng để tiếp tục hoàn thành mục tiêu của các chương trình mục tiêu đề ra. Năm 2025, vốn đầu tư công tiếp tục tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án có tính chất liên kết vùng, liên tỉnh, liên quốc gia có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tạo đột phá thu hút nguồn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng. Trong đó, ưu tiên đáp ứng nhu cầu vốn để hoàn thành một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025), khởi công mới các Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành… Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |