Là một trong những hợp tác xã (HTX) được đánh giá là hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện, thành lập cách đây hơn 2 năm với vỏn vẹn chỉ có 10 thành viên, đến nay, HTX Phúc Huy (ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có 20 thành viên, tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng.
Là một trong những hợp tác xã (HTX) được đánh giá là hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện, thành lập cách đây hơn 2 năm với vỏn vẹn chỉ có 10 thành viên, đến nay, HTX Phúc Huy (ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có 20 thành viên, tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng.
Hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, phục vụ khâu cày ải, thu hoạch lúa của nông dân, hiện nay, HTX Phúc Huy có tổng số 6 máy cày và 7 máy gặt đập liên hợp, hoạt động thường xuyên khi người dân có nhu cầu. HTX hoạt động theo hình thức hợp đồng hẳn hoi, vì vậy, việc phục vụ khâu cày ải hay thu hoạch lúa của người dân được thực hiện đúng thời điểm, đảm bảo chất lượng mặc dù giá thành tương đương so với thị trường bên ngoài. Hơn nữa, HTX luôn lấy chữ tín làm phương châm hoạt động.
Sử dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời thuận lợi hơn trong canh tác, đẩy mạnh năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập. Ảnh: CHÍ THANH |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Phúc Huy, khẳng định: “Điều đạt được nhất từ khi các thành viên tham gia vào HTX là tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Việc sản xuất của nông dân trong và ngoài vùng được chủ động vì có HTX phục vụ theo nguyên tắc hợp đồng. So với thu nhập bình quân đầu người trên bình diện chung của xã thì các thành viên thu nhập cao hơn gấp 2 lần. Hơn 50% thành viên của HTX có mức sống khá, giàu bền vững. Chúng tôi xác định chữ tín chính là yếu tố sống còn của HTX. Để giữ được uy tín đối với người dân, trước tiên mình phải thực hiện đúng theo hợp đồng, giờ giấc đảm bảo; kế đến là phải đạt chất lượng”.
Hoạt động trên mục tiêu không chỉ riêng vì lợi nhuận mà cái chính là để các thành viên trong HTX có sự đoàn kết với nhau trong sản xuất, biết sẻ chia, tạo công ăn việc làm ổn định nên chỉ sau thời gian ngắn được thành lập, HTX thu hút nhiều thành viên tham gia và ngày càng khẳng định vị thế. Ông Dũng cho biết: “Tính bình quân trong 1 vụ, 1 máy đạt năng suất từ 130 ha trở lên. Tổng thu nhập của HTX hơn 8 tỷ đồng/năm, mỗi thành viên trong HTX là 80 triệu đồng/năm. HTX được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen năm 2014”.
Hiện nay, HTX Phúc Huy đang tiếp tục củng cố, xây dựng với mục tiêu hướng đến là ngoài phục vụ dịch vụ nông nghiệp, HTX còn phát triển thêm các lĩnh vực khác như kinh doanh lúa giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc; hỗ trợ ký hợp đồng đầu ra lúa cho các thành viên; hợp đồng lao động người ở địa phương làm việc cho HTX; phấn đấu đến năm 2020 có 60% bà con sản xuất nông nghiệp ở ấp là khách hàng của HTX và đến năm 2017, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/năm/hội viên.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có 32 HTX với 692 xã viên, 405 THT với 6.914 tổ viên, tổng vốn điều lệ hơn 35 tỷ đồng. Trong những năm qua, phát huy mô hình kinh tế tập thể, các cấp, các ngành huyện vừa tăng cường khâu tuyên truyền, vận động Nhân dân, vừa củng cố, nâng cao chất lượng các HTX, THT trên địa bàn. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong khu vực kinh tế tập thể, nhiều HTX, THT ngày càng hoạt động ổn định, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. |
HTX Đồng Thuận, ấp 1 và HTX Kinh Dớn, ấp Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc) mặc dù chỉ mới thành lập gần 2 năm nay nhưng đã và đang khẳng định hiệu quả. Cả 2 HTX đều hoạt động với lĩnh vực phục vụ khâu cày ải, thu hoạch lúa cho người dân, đặc biệt là cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón cho xã viên trong HTX với mức giá rẻ hơn thị trường bên ngoài, đảm bảo thu mua lúa cho xã viên với mức giá cao hơn so với thương lái từ 100-200 đồng/kg. Với những “ưu đãi” đó, 2 HTX này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng trong xã viên, từ đó mối liên kết trong sản xuất thắt chặt hơn, đời sống kinh tế của xã viên được nâng lên rõ rệt.
Khi nhắc đến ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, mọi người thường nghĩ ngay đến nghề gác kèo ong của người dân nơi đây. Để tạo điều kiện cho nghề gác kèo ong được duy trì và hoạt động hiệu quả, vừa giúp người dân rừng tràm có thêm thu nhập từ nghề truyền thống, vừa góp phần bảo vệ rừng, Tổ hợp tác (THT) gác kèo ong ấp Vồ Dơi được thành lập vào mùa khô năm 2012-2013. Hiện nay, trên địa bàn ấp có 3 THT gác kèo ong, với tổng số 81 tổ viên.
Ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi, cho biết: “Khi hành nghề gác kèo ong, các tổ viên có ý thức cao trong việc bảo vệ rừng. Nhờ nghề này mà đời sống của hàng chục hộ dân ở ấp được cải thiện. Bình quân 1 năm mỗi tổ viên thu hoạch từ 50 lít mật ong trở lên, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân”.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, bên cạnh các HTX, THT hoạt động thực sự hiệu quả, ổn định thì huyện còn một vài THT hoạt động kém hiệu quả, gần như trên thực tế không còn hoạt động. Nhằm nâng chất kinh tế tập thể, thời gian tới, phòng sẽ liên kết với Chi cục Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho ban quản lý, giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị; kiện toàn lại các HTX hoạt động hiệu quả, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả; tổ chức tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, THT liên kết với doanh nghiệp cung cấp vật tư giá rẻ và tiêu thụ sản phẩm đầu ra với giá cao cho xã viên./.
Ngọc Minh