Cải cách kiểm tra chuyên ngành sẽ kéo giảm thời gian thông quan | |
Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp khó khăn trong chuyển đổi số |
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm |
Đó là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Áp lực chuyển đổi số hậu đại dịch: Nguy và cơ” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Bản Việt tổ chức ngày 18/11.
Trên quan điểm là nhà tư vấn, ông Will Nguyễn, Thành viên điều hành KPMG Việt Nam cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ khác nhau đều đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng công nghệ, áp dụng công nghệ vào hoạt động của mình.
Ông Will Nguyễn nhận định, so với các doanh nghiệp quy mô lớn, việc chuyển đổi số tại những doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều thuận lợi hơn do mô hình không quá phức tạp, không có nhiều dữ liệu trong quá khứ cần phải chuyển đổi… Theo đó, ông Will Nguyễn cho biết, thời gian gần đây, ông đã tiếp cận với rất nhiều doanh nghiệp mới chuẩn bị kinh doanh nhưng đã đặt nền móng để có thể vận hành hệ thống công nghệ ngay khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.
Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và đổi mới sáng tạo – Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, tại các doanh nghiệp logistics quy mô lớn, khoảng 80-90% quy trình nghiệp vụ đã được số hóa với nhiều giải pháp quản lý kho hàng, quản lý giao nhận vận tải quốc tế, quản lý vận tải đa phương thức hoặc kết nối với khai báo hải quan.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp quy mô nhỏ thì mới chỉ có khoảng 10% đã trang bị được những hệ thống công nghệ để thực hiện một dịch vụ trung gian trong giao nhận vận tải quốc tế mà không dựa trên những tài sản lớn như phương tiện vận tải, kho bãi… Nhờ có công nghệ nên các doanh nghiệp này đã làm rất tốt vai trò trung gian kết nối của mình và xử lý các dịch vụ mà các bên khác cần phải thuê ngoài. Với 90% còn lại thì mới chỉ áp dụng được những giải pháp mang tính số hóa nghiệp vụ. Trong số này có nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không thể theo kịp xu thế chuyển đổi số.
Riêng trong lĩnh vực khai báo hải quan, ông Dũng đánh giá, ngành Hải quan thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số và đang hướng tới kết nối với khu vực ASEAN cũng như với Hải quan quốc tế. Trong lộ trình đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt kịp nhịp độ số hóa của ngành Hải quan.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra với ngành Logistics Việt Nam là yêu cầu về việc có những kết nối mang tính mô hình chung để có thể kết nối các hoạt động mua bán, vận tải, thanh toán với nhau. “Đây là một tiềm năng rất lớn cho lĩnh vực logistics mà nhiều nước đã thực hiện được, nhưng tại Việt Nam mới chỉ được nhận thấy trong thời gian gần đây” – ông Dũng cho biết.
Liên quan tới vấn đề cước phí logistics tăng cao trong thời gian gần đây, ông Dũng cho biết, trước rủi ro về tải trống chiều về cũng những chi phí phát sinh, thời gian chờ ở các điểm nút như sân bay, cảng biển, biên giới, nên các hãng vận tải luôn đẩy chi phí dự phòng rủi ro lên mức cao. Các khâu đều tăng chi phí lên khiến cho tổng chi phí trên toàn chuỗi bị đội lên rất cao. Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng, giữ thị trường, các chủ hàng vẫn phải chấp nhận mức giá “trên trời” này. Cụ thể là những lô hàng trị giá hàng chục triệu USD vẫn chờ được vận chuyển đi, các doanh nghiệp phải tranh giành để có được chỗ…
Trong bối cảnh đó, ông Dũng cho biết, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đối mặt với rất nhiều áp lực từ phía chủ hàng về việc tìm ra giải pháp cho họ, việc chia sẻ thiệt hại với chủ hàng khiến cho tình hình tài chính bị ảnh hưởng, việc thanh toán hợp đồng không được thực hiện theo đúng lộ trình làm gia tăng công nợ… Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như mất phương hướng và có những doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp logistics đã xây dựng được quy trình gắn bó chặt chẽ, đặc biệt là hệ thống thông tin giữa khách hàng, chủ hàng, Hải quan, hãng tàu, hãng hàng không, ngân hàng, thậm chí là cả bảo hiểm. Với việc liên kết khoảng 80% thành viên trong chuỗi cung ứng, khi xảy ra bất kỳ thông tin biến động nào, hệ thống của doanh nghiệp cũng có thể xử lý được. Với lợi thế như vậy, các doanh nghiệp này sẽ giành được phần thắng, có được nhiều hợp đồng, từ đó có khả năng đàm phán được giá tốt với hãng tàu, hãng hàng không.
Trong xu thế như vậy, liệu những doanh nghiệp logistics không theo kịp xu hướng chuyển đổi số có bị đảo thải khỏi thị trường? Ông Dũng cho biết, với những doanh nghiệp làm dịch vụ dựa trên tài sản như kho bãi, phương tiện vận tải thì vẫn sẽ tồn tại được do dòng chảy hàng hóa vật lý sẽ vẫn cần tới dịch vụ này, song năng suất, hiệu quả sẽ không cao. Trong khi đó, nhiều hoạt động trung gian sẽ bị cắt bỏ trong quá trình tự động hóa và áp dụng công nghệ. Do đó, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ bị triệt tiêu với tỷ lệ khoảng 30% theo ước tính của ông Dũng.