Cần có chính sách thuế phù hợp để hạn chế sử dụng đồ uống có đường. Ảnh tư liệu minh họa |
PV: Ở góc độ chuyên gia WHO, bà đánh giá thế nào về việc đưa đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Tiến sĩ Angela Pratt:WHO hoan nghênh Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua về việc xem xét Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi trong hai kỳ họp tới.
Thuế đối với đồ uống có đường là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe. Việc tăng giá đồ uống có đường bằng cách đánh thuế sẽ khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ các đồ uống này và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối và các loại đồ uống không đường khác. Do đó, thuế đối với đồ uống có đường có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời thúc đẩy công bằng y tế và làm tăng nguồn thu từ thuế mà có thể được sử dụng để tài trợ cho các ưu tiên y tế của Chính phủ. Vì vậy, đây là một chiến lược có lợi cho sức khỏe cộng đồng (giảm bệnh và giảm chi phí y tế), lợi cho nguồn thu thuế của Chính phủ và lợi cho công bằng y tế.
110 quốc gia áp thuế với đồ uống có đường Khoảng 110 quốc gia (chiếm 57% dân số thế giới) đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tại Mexico, Chính phủ đã thu thêm 2,6 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015 từ thuế đối với đồ uống có đường. Tại Nam Phi, trong 2 năm đầu sau khi áp thuế với mặt hàng này, đã tạo ra khoảng 200 triệu USD cho Quỹ nâng cao sức khỏe của quốc gia. |
WHO khuyến nghị Chính phủ và Quốc hội Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở mức đủ cao để giảm tiêu thụ với mặt hàng này, qua đó sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp thuế với các loại đồ uống này để làm giá tăng lên 10%, sẽ dẫn đến mức giảm tiêu thụ trung bình khoảng 11%.
Tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ khoảng 35 lít/người vào năm 2013, đã lên tới 52 lít/người vào năm 2020. Đồng thời, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010, lên 19% năm 2020; ở khu vực thành thị, con số này đã lên tới gần 27%. Ở người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng thêm khoảng 1/3 trong 6 năm qua - từ khoảng 15% năm 2015 lên hơn 19% năm 2021.
Không có lý do gì để nghĩ rằng, những xu hướng gia tăng này sẽ thay đổi nếu không có những hành động can thiệp kịp thời của Chính phủ. Đánh thuế với đồ uống có đường sẽ giúp hạn chế những xu hướng này và do đó, góp phần xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
PV:Theo thông tin từ WHO, có khoảng 110 quốc gia trên thế giới đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Vậy kết quả của việc áp dụng thuế này tác động ra sao?
Tiến sĩ Angela Pratt:Khoảng 110 quốc gia (chiếm 57% dân số thế giới) đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tác động tích cực của việc tăng thuế đã được thấy ở ngày càng nhiều quốc gia.
Ví dụ, ở Mexico, việc áp thuế khoảng 10% giá bán với đồ uống có đường đã làm giảm tiêu thụ khoảng 6% sau 6 tháng và khoảng 12% sau 12 tháng. Đồng thời, tiêu thụ đồ uống không đường như nước suối đóng chai lại tăng 4%.
Tại Vương quốc Anh, hai năm sau khi áp thuế đối với đồ uống có đường, tiêu thụ đồ uống có đường ở nhóm hàm lượng cao (trên 8g/100ml) đã giảm 35,1%, ở nhóm hàm lượng trung bình (5-8 g/100ml) giảm 45,5%. Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống ở nhóm đường thấp (dưới 5g/100ml) hoặc không đường lại tăng tới 35,5%.
Sức khỏe của mọi người được cải thiện khi họ giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Ví dụ, ở Mexico, quan sát thấy tỷ lệ sâu răng đã giảm đáng kể sau khi áp thuế với đồ uống có đường, và việc áp thuế vào năm 2014 được dự đoán sẽ giúp ngăn ngừa 89.000 - 136.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mới, trong 10 năm tiếp theo ở nước này.
PV:Có ý kiến cho rằng, việc đánh thuế vào đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nghèo. Ông/bà lý giải thế nào về thắc mắc này ?
Tiến sĩ Angela Pratt: Tại Việt Nam, các cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình cho thấy, các hộ gia đình có thu nhập cao lại tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn so với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Vì vậy, các gia đình nghèo hơn sẽ ít bị tác động của thuế hơn so với các hộ thu nhập cao.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh như thuốc lá và đồ uống có đường mang lại lợi ích nhiều nhất cho các hộ gia đình nghèo nhất. Điều này là do các nhóm này có xu hướng giảm tiêu thụ nhiều nhất sau khi áp thuế, và do đó, được hưởng lợi nhiều nhất trong việc phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm liên quan đến đồ uống có đường. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần tiết kiệm thu nhập và giảm chi phí y tế liên quan đến các bệnh này.
Hơn nữa, thu nhập bổ sung của Chính phủ từ thuế với đồ uống có đường có thể được định hướng vào các khoản đầu tư cho người nghèo, chẳng hạn như hỗ trợ bảo hiểm y tế, qua đó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho những nhóm nghèo.
PV:Xin cảm ơn bà!
BÀ VŨ THỊ MINH HẠNH - NGUYÊN PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH Y TẾ - BỘ Y TẾ: Cần có lộ trình áp thuế để điều chỉnh thói quen tiêu dùng Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết việc sản xuất kinh doanh và tiêu dùng xã hội, tăng vai trò quản lý nhà nước đối với những mặt hàng chịu thuế… Từ kinh nghiệm thế giới và áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường cũng cần có từng bước một. Tôi đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính, với những sản phẩm có hàm lượng đường dưới 5 g/100ml thì chúng ta chưa đánh thuế, còn những sản phẩm có hàm lượng đường cao hơn thì chúng ta đánh thuế. Việc đánh thuế không làm hại cho ngành công nghiệp mà góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi dần khẩu vị khi dung nạp đồ uống có đường là chuyển sang uống nhạt dần để đỡ hại cho cơ thể. Các doanh nghiệp hơn ai hết là những nhà sản xuất rất nhạy cảm với nhu cầu thị trường. Khi thị hiếu trên thị trường thay đổi, người ta cũng chuyển đổi dần công thức sản xuất đồ uống có đường này theo xu thế chuyển sang đồ uống không đường, nước ngọt đóng chai hoặc đồ uống có đường với hàm lượng đường thấp./. |
THẠC SỸ ĐÀO THẾ SƠN - CHUYÊN GIA KINH TẾ THƯƠNG MẠI: Nên đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế để điều tiết tiêu dùng Chúng ta cần đưa ngay đồ uống có đường vào danh mục thuế tiêu thụ đặc biệt, vì nó phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của luật là điều tiết sản xuất và tiêu dùng. Tiêu dùng đồ uống có đường đã tăng ở mức rất cao, đã được WHO cảnh báo và đã bắt đầu để lại những hậu quả về mặt sức khỏe người dân. Vậy đánh thuế ra sao? Theo tôi, cần đặt ra một số nguyên tắc đối với việc đánh thuế như thế nào, mà đầu tiên đó là tính bao phủ của nó. Tức là phải đánh thuế với những mặt hàng đồ uống có đường mà hàm lượng đường trên 5 g/100ml chẳng hạn. Chính sách thuế và giá bao giờ cũng tác động nhanh và mạnh nhất. Ở Anh sau khi thực hiện chính sách này đạt hiệu quả rất tốt về mặt tiêu dùng. Tỷ trọng sản phẩm đồ uống có đường giảm từ 49% xuống 15% nhưng tổng sản lượng của doanh nghiệp đồ uống thì không bị giảm. Đấy là tác động rất tích cực đối với trách nhiệm xã hội. |