Trước hiện trạng khó khăn chung,ăngtốccuốinăbd kq ita nhiều ngành, địa phương trong tỉnh đang rà soát và đề ra giải pháp chạy nước rút trong hai tháng còn lại của năm.
Các ngành liên quan của tỉnh và địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để tăng cường giải ngân vốn đầu tư công.
Tăng cường giải ngân vốn và thu ngân sách
Một trong những lĩnh vực hiện đạt thấp là tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến tháng 10, công tác giải ngân vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.419 tỉ đồng, đạt 64,78% dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm. Trong đó, một số đơn vị đang có tiến độ giải ngân vốn chậm so với kế hoạch là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban giao thông) tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thị xã Long Mỹ.
Lý giải nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Ban giao thông tỉnh, cho biết: Hiện công tác giải ngân vốn còn chậm của đơn vị chủ yếu là ở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, mới đạt khoảng 50% và nguồn vốn này đang được đầu tư tại tuyến Đường tỉnh 927C, với chiều dài 15km. Nguyên nhân chậm là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, mà cụ thể là còn 73 hộ khiếu nại về việc đền bù mật độ cây trồng nên chưa chịu nhận tiền, từ đó gây khó cho đơn vị thi công. Mặt khác, cũng trên tuyến đường này còn có nhiều hộ xây dựng nhà sau ngày công bố quy hoạch nên đang gặp khó trong công tác giải quyết. Trước tình hình trên, đơn vị đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sớm rà soát lại về mật số cây trồng của những hộ dân khiếu nại, sau đó phê duyệt danh sách để tiến hành chi trả tiền đền bù cho người dân, tạo mặt bằng sạch thi công dự án. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đôn đốc 7 đơn vị thi công ở 7 gói thầu của dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để tiếp tục giải ngân nguồn vốn.
Còn ông Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, cho hay: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thị xã hiện đạt 68% kế hoạch. Nguyên nhân chậm chủ yếu là do khi thi công một số công trình gặp vướng ở khâu khiếu nại giữa người dân với người dân hoặc người dân với Nhà nước do tranh chấp đất đai. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang xây dựng để giải ngân nguồn vốn đạt kế hoạch vào cuối năm, tới đây địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong người dân, đồng thời đề nghị các ngành có liên quan sớm giải quyết dứt điểm các khiếu nại của bà con.
Bên cạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm thì tình hình thu thuế hiện nay tuy được 7.697 tỉ đồng và đạt gần 91% dự toán giao, trong đó thu nội địa được 2.456 tỉ đồng, đạt gần 90% kế hoạch năm nhưng theo nhận định của các ngành liên quan của tỉnh và địa phương thì công tác thu thuế từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường biến động thất thường, cán bộ thu thuế tại một số nơi còn yếu về nghiệp vụ.
Trước tình hình trên, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các ngành của tỉnh và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và công tác giải phóng mặt bằng ở các công trình, cũng như chỉ đạo quyết liệt về công tác chống thất thu thuế và tập trung thu dứt điểm các khoản nợ thuế. Đồng thời, xem những công việc trên là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị từ nay đến cuối năm.
Tập trung phòng, tránh thiên tai và dịch bệnh
Không chỉ băn khoăn về công tác giải ngân vốn và thu ngân sách mà tình hình thiên tai cũng đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình hình lũ lớn trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân, trong đó cây lúa, mía đang chịu tác động và thiệt hại nhiều nhất do lũ. Bởi theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, do tình hình nước lũ năm nay lớn và về sớm nên Hậu Giang chỉ xuống giống được 43.532ha lúa Thu đông, giảm gần 5.500ha so với kế hoạch và đây cũng là chỉ tiêu duy nhất của ngành nông nghiệp trong năm nay không đạt kế hoạch (riêng các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt). Như vậy, nếu năng suất lúa bình quân gần 5,5 tấn/ha như thời điểm này thì vụ lúa Thu đông năm nay, Hậu Giang mất khoảng 3.000 tấn lúa.
Nhiều diện tích mía của huyện Phụng Hiệp đã và đang bị ảnh hưởng do lũ được người dân tích cực thu hoạch.
Tương tự cây lúa thì cây mía cũng đang chịu ảnh hưởng lớn do lũ, trong đó nơi bị thiệt hại nhiều nhất là tại vùng mía huyện Phụng Hiệp. Qua thống kê của ngành nông nghiệp Phụng Hiệp, toàn huyện có khoảng 5.644ha trong tổng số 7.505ha mía của niên vụ này bị ngập do lũ. Trong số diện tích mía bị ngập nước lũ thì diện tích có khả năng bị thiệt hại trên 70% là 122,7ha và thiệt hại từ 30-70% là 2.089ha.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Tuy lúa, mía có ảnh hưởng do lũ nhưng với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự tích cực trong khâu ứng phó, thu hoạch của người dân nên tình hình thiệt hại không đáng kể, trong đó điều đáng mừng là hiện không có tình trạng người dân bỏ mía chết trên đồng. Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương và khu vực Nam bộ thì vào thời điểm cuối tháng 10 (âm lịch) tới đây sẽ xuất hiện đợt triều cường dâng cao và cũng từ đây đến cuối năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn xuất hiện từ 2-3 cơn bão nên chính quyền các địa phương, người dân trong tỉnh cần có kế hoạch ứng phó để bảo vệ thành quả sản xuất.
Ngành y tế tỉnh cũng đang thực hiện quyết liệt các giải pháp có liên quan trong phòng, chống dịch bệnh trên người. Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho hay: Hiện toàn tỉnh ghi nhận có 218 cas mắc bệnh sốt xuất huyết và 334 cas mắc bệnh tay - chân - miệng. Trong đó, có 3 địa phương có số cas mắc bệnh tay - chân - miệng tăng so với cùng kỳ là huyện Phụng Hiệp nhiễm 78 cas, tăng 7 cas; huyện Long Mỹ nhiễm 29 cas, tăng 5 cas; huyện Châu Thành A nhiễm 38 cas, tăng 1 cas. Để phòng ngừa hai dịch bệnh nguy hiểm trên, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần ý thức trong giữ gìn vệ sinh cá nhân sau khi đi chợ hoặc tiếp xúc với khu vực đông dân cư và ngủ mùng kể cả ban ngày nhằm phòng ngừa muỗi đốt.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Nếu như 6 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp có sự tăng trưởng tốt trên các mặt thì 6 tháng cuối năm lại đang đối mặt với nhiều áp lực do thiên tai ảnh hưởng đến hai loại cây trồng chủ lực là lúa và mía nên khả năng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành vào cuối năm. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh cần tính toán và có giải pháp hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm. Giải pháp trước mắt là tập trung vào lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi vì đây là hai lĩnh vực đã và đang có điều kiện thuận lợi trong năm nay. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai, cũng như thực hiện tốt các giải pháp giúp dân thu hoạch lúa, mía bị ảnh hưởng do lũ. Riêng ngành y tế cũng phải vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh trên người, tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch trong cộng đồng dân cư…
Theo UBND tỉnh, trong 10 tháng qua, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố đã tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ năm 2018, các lĩnh vực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Nhất là ngành nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả khá ở hầu hết các lĩnh vực chuyên môn của ngành, trong đó tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các cây trồng khác đạt và vượt kế hoạch đề ra, xây dựng nông thôn mới được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển khá ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so cùng kỳ. Tình hình tài chính, ngân hàng ổn định, nợ xấu được kiểm soát tốt. Các hoạt động văn hóa, xã hội, được tổ chức khá sôi nổi, phục vụ tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương; quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững… |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC