游客发表
发帖时间:2025-01-11 06:10:27
Là cán bộ hưu trí, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Minh Hải và tỉnh Cà Mau, cô Ba Dân theo suốt phong trào phụ nữ của tỉnh từ trong kháng chiến tới ngày đất nước trọn vẹn niềm vui độc lập và bắt tay xây dựng quê hương. Theo cô Ba Dân, lịch sử là dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, vì vậy phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo từng thời điểm để thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của người phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Bình cả đời cống hiến cho công tác phụ nữ, gần gũi, thương yêu bộ đội bằng tấm lòng người chị, người mẹ, người đồng chí. Ảnh: Minh Tấn |
Trong kháng chiến, những tấm gương phụ nữ trung liệt như Hồ Thị Kỷ, Dương Thị Cẩm Vân, Tô Thị Tẻ, Danh Thị Tươi… đã anh dũng chiến đấu trực diện với kẻ thù, các chị nằm xuống để nắm đất dưới lưng bừng sáng một rừng hoa. Nhà thơ Nguyễn Hải Tùng đã sáng tác bài thơ “Từ trái tim em” để nói về sự anh dũng của nữ biệt động Hồ Thị Kỷ, với lời tựa “Vô cùng thương tiếc và biết ơn liệt sĩ Hồ Thị Kỷ”:
"… Đời em mất mát có sao đâu
Miễn chị em ta chẳng cúi đầu
Bạn ơi, Tổ quốc hay là chết?
Thế hệ Bác Hồ chỉ ngẩng cao!
… Vén mái tóc mềm Kỷ liếc quanh
Đôi môi tươi thắm mắt long lanh
Em chào thành phố lời từ biệt
Vội ấn kíp mìn: ánh chớp xanh!
…Từ trái tim em bừng tiếng nổ
Cuối trời Tổ quốc lửa dâng cao
Từ trái tim em nung thép đỏ
Chảy vào mạch sống vạn đời sau".
Những ngày đầu giải phóng, khi nỗi đau mất mát, chia ly do chiến tranh vẫn chưa nguôi thì các mẹ, các chị lại tiếp tục đưa tiễn người thân của mình ra chiến trường làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và chiến đấu tại chiến trường phía Bắc, gìn giữ biên cương đất nước. Trong thời gian này, phụ nữ trong tỉnh sẵn sàng đưa tiễn chồng, con, anh, em lên đường bảo vệ Tổ quốc, vừa giữ vai trò nòng cốt trong công tác hậu phương quân đội. Các mẹ, các chị tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình bộ đội, thương bệnh binh, phát động các phong trào: Hũ gạo nuôi quân, Chiếc khăn tấm lòng Đất Mũi, Chiếc áo mùa đông, Chiếc võng nghĩa tình, Một đồng cho phía trước… Trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải), Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức khoảng 50 chuyến thăm hỏi, tiếp tế, động viên cán bộ, bộ đội khắp trong Nam, ngoài Bắc và ở nước bạn Campuchia. Đoàn đi đến đâu cũng được chiến sĩ đón mừng, quý mến. Qua những hoạt động thấm đẫm nghĩa tình ấy, bà Nguyễn Thị Bình được anh em chiến sĩ Sư đoàn 4 tôn vinh danh hiệu “Mẹ Chính uỷ”, một danh hiệu nói lên tình cảm sâu sắc giữa hậu phương và tiền tuyến.
Cô Hai Quằn (Nguyễn Thị Quằn), xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, hồi nhớ: “Vợ chồng tôi đều là lực lượng Thanh niên xung phong. Khi có lệnh gọi tuyển quân, vợ chồng tôi hăng hái đăng ký cho thằng con thứ hai lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Con gái thứ ba của tôi tuy đủ tuổi, tự nguyện đăng ký nhưng không được gọi… Lúc đó, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác đều tự nguyện đưa người thân ra chiến trường.
Phần lớn ruộng vườn ở nông thôn thời điểm này đều bị hoang hoá và còn nhiều bom mìn chưa tháo gỡ hết, tình trạng thiếu lương thực diễn ra trên diện rộng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh uỷ Minh Hải, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh mở chiến dịch ra đồng làm lúa hè thu, trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi. Chính nhờ chiến dịch ra quân làm lúa hè thu năm 1976 là tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo tập quán canh tác mới, vừa góp phần đưa sản lượng lúa toàn tỉnh trên 600.000 tấn. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh.
Cô Ba Dân nhớ lại: Vui lắm, hạnh phúc lắm khi vấn đề thiếu hụt lương thực đã được giải quyết. Khắp nơi không khí làm lúa hè thu rộn ràng. Nhiều nông dân huyện Trần Văn Thời, Cái Nước đào mương phèn, đắp đê, be bờ ngăn mặn, chống úng, xổ phèn… để vụ mùa bội thu. Các cấp hội phụ nữ vận động hàng chục ngàn chị em tham gia thành lập hơn 2.000 tổ vần công, đổi công, không khí hăng say lao động tràn ngập trên đồng.
Trên mặt trận cải tạo công nghiệp, thương nghiệp, đông đảo chị em ở thị xã, thị trấn vào làm việc trong các cơ sở quốc doanh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, thu mua lương thực, thực phẩm, chế biến hàng xuất khẩu… Tỉnh thành lập một số nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở thị xã Cà Mau, Gành Hào, Năm Căn, Cái Đôi Vàm, thu hút hàng ngàn chị em vào làm công nhân với mức lương khá cao và ổn định. Nhiều chị em ở vùng nông thôn đóng vai trò chủ lực trong khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống như dệt chiếu ở xã Tân Thành (TP Cà Mau), nghề đan đát ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) và Biển Bạch (huyện Thới Bình).
Bước vào giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển, các cấp hội phụ nữ Cà Mau tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên và phụ nữ. Tổ chức phát động và thực hiện các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều chị thể hiện năng khiếu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, có khả năng quản lý sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Đào Hồng Quyết cho biết: Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, có hơn 2.800 tập thể, cá nhân phụ nữ được giới thiệu nêu gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Thời gian tới, Hội LHPN nữ sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của tổ chức hội.
Tiếp nối truyền thống 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phụ nữ hiện nay đang tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và xây dựng 4 phẩm chất mới của người phụ nữ hiện đại: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.
Đỗ Chí Công
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接