Ngày 30-8-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Để hướng dẫn thực hiện về vấn đề này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-BTC ngày 2-3-2012. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20- 4- 2012 và áp dụng cho các dự án, khoản vay ký hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ sau đầu tư lần đầu (bao gồm các dự án vay vốn đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, các hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu) kể từ ngày Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30-8-2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước có hiệu lực thi hành. Đối tượng được hưởng hỗ trợ sau đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Để được hưởng ưu đãi này, ngoài các quy định chung, dự án phải gửi kèm báo cáo kiểm toán dự án đầu tư đã hoàn thành đối với dự án pháp luật quy định phải có kiểm toán bắt buộc, đối với các dự án còn lại thực hiện việc kiểm toán theo quy định của VDB. Các dự án không thuộc đối tượng hỗ trợ sau đầu tư, gồm: Dự án đã được các Quỹ có nguồn vốn hoạt động có nguồn gốc từ NSNN hoặc đã được NSNN các cấp hỗ trợ tài chính (chi phí vay vốn) dưới mọi hình thức; Dự án thay đổi chủ đầu tư và dự án vay vốn theo các chương trình mục tiêu sử dụng vốn nước ngoài của các Tổ chức tín dụng khác. Mức hỗ trợ sau đầu tư được tính cho từng dự án và cấp cho chủ đầu tư sau khi đã trả nợ vay vốn đầu tư (nợ gốc) cho tổ chức tín dụng cho vay vốn. Căn cứ theo số vốn trả nợ của chủ đầu tư, VDB cấp hỗ trợ sau đầu tư cho chủ đầu tư tối đa mỗi quý một lần trong năm. Mức hỗ trợ sau đầu tư được tính trên tổng số nợ gốc thực trả theo hợp đồng tín dụng đã ký với tổ chức tín dụng nhưng không vượt quá 70% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định của dự án theo quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền. Đối với những khoản vay trả trước hạn, mức hỗ trợ sau đầu tư được tính theo thời hạn thực vay của khoản vay đó theo Hợp đồng tín dụng đã ký. Đối với tín dụng xuất khẩu, Thông tư quy định nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài phải huy động đủ các nguồn vốn với các điều kiện tín dụng cụ thể để thực hiện hợp đồng xuất khẩu ngoài phần vốn vay tín dụng xuất khẩu của VDB. VDB trực tiếp giải ngân cho nhà xuất khẩu hoặc cho nhà nhập khẩu trên cơ sở hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu giữa Ngân hàng Phát triển và nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài. VDB có thể uỷ thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng hoạt động hợp pháp ở trong nước và ngoài nước giải ngân khoản vay tín dụng xuất khẩu cho nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài. Định kỳ kết thúc hàng quý và năm, VDB tính toán, xác định lãi suất bình quân các nguồn vốn, chi phí hoạt động và đề xuất mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định. Bộ Tài chính xem xét quyết định mức lãi suất tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Trường hợp lãi suất huy động vốn bình quân trên thị trường và của VDB có biến động tăng, giảm 10% so với thời điểm tính lãi suất liền kề, VDB tính toán lại lãi suất bình quân các nguồn vốn, chi phí hoạt động và đề xuất mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước để báo cáo Bộ Tài chính xem xét quyết định việc điều chỉnh lãi suất. Về xử lý rủi ro, Thông tư nêu rõ, trong trường hợp chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài gặp rủi ro bất khả kháng không trả được nợ qui định; các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình đa sở hữu gặp khó khăn về tài chính và các trường hợp rủi ro khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì được xem xét xử lý rủi ro theo Quy chế xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại VDB do Thủ tướng Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính.
Minh Anh |