| Bảo hiểm PVI chủ động triển khai các phương án để xác định giá trị thiệt hại nhanh chóng, chính xác. Ảnh: Thu Huyền |
Doanh nghiệp bảo hiểm - chống đỡ với rủi ro Năm 2024 có thể coi là một năm rất đặc biệt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, với sự kỳ vọng về những tín hiệu tích cực và sự phục hồi của thị trường sau những khó khăn và thách thức đã trải qua trong năm 2023. Tuy nhiên, cơn bão số 3 (Yagi) một cơn bão được coi là thảm họa thiên nhiên ập tới đã cuốn phăng đi mọi nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong suốt thời gian qua. Thảm họa thiên nhiên này đã gây thiệt hại lớn trên diện rộng, với số tiền ước tính lên tới 81.500 tỷ đồng cũng đã tác động mạnh tới tình hình kinh doanh chung, khiến ngành bảo hiểm phi nhân thọ mới phục hồi tiếp tục phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, góc độ “lửa thử vàng, rủi ro đo năng lực các doanh nghiệp bảo hiểm” thì đây cũng chính là “bài kiểm tra” bất ngờ về khả năng chống đỡ với rủi ro này. Tại Hội nghị về định phí thường niên của ngành bảo hiểm vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia trong ngành cũng nhấn mạnh vai trò của việc kết hợp chuyên môn định phí, tính toán bảo hiểm với khả năng thích ứng nhanh trước những biến động của thị trường và các cải tiến công nghệ. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh ngành bảo hiểm Việt Nam đang đứng trước nhiều thay đổi lớn, từ những điều chỉnh về luật định, thay đổi về tài chính, đến bài toán niềm tin của người tiêu dùng... Theo các chuyên gia, A/E (Actual/Expected - chỉ số thực tế/kỳ vọng) không chỉ là thước đo hiệu quả tài chính, mà còn phản ánh khả năng thích nghi của doanh nghiệp trước những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng. Bảo hiểm PVI chi trả bồi thường nhanh chóng Bảo hiểm PVI - doanh nghiệp đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam - đã tiếp nhận 784 vụ tổn thất ngay sau khi bão Yagi kết thúc với nhiều vụ tổn thất rất lớn, trong đó có 01 vụ ghi nhận dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng chia sẻ rằng, với kinh nghiệm và năng lực chuyên môn giải quyết khiếu nại dày dạn, doanh nghiệp không gặp khó khăn trong công tác xác định thiệt hại cũng như việc triển khai chi trả bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Bảo hiểm PVI cho biết, doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng nguyên tắc với các công ty giám định độc lập có chất lượng cao nhất tại thị trường Việt Nam, đồng thời cũng hợp tác thường xuyên với các công ty quốc tế. Do vậy, trong bất kỳ loại hình tổn thất nào thì Bảo hiểm PVI đều có thể chủ động triển khai các phương án, phối hợp với các bên liên quan để xác định giá trị thiệt hại một cách nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết khiếu nại của Bảo hiểm PVI đã được điều chỉnh, vừa đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật, vừa hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Theo đó, quy định thông thường các đơn bảo hiểm có hồ sơ sẽ được công ty giải quyết trong vòng 15 ngày, còn đối với đa số các đơn tổn thất do cơn bão Yagi, Bảo hiểm PVI phải huy động toàn bộ đội giám định, cán bộ chuyên môn xử lý ngay chỉ trong vòng 24 giờ để đưa ra phương án giải phóng hiện trường, tối giản quy trình nội bộ nhằm khắc phục tạm thời cho doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất kinh doanh… Đơn cử, nhờ mua bảo hiểm 100% cho toàn bộ nhà xưởng được bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường nhanh chóng nên Nhà máy sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi Japfa Comfee Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục được thiệt hại. Đại diện nhà máy nhìn nhận, nếu không mua bảo hiểm thì với những thiệt hại quá lớn mà cơn bão gây ra, nhà máy khó có thể quay trở lại sản xuất ngay được mà phải có thêm thời gian tìm nguồn lực tài chính hoặc có thể phải thu hẹp sản xuất kinh doanh... Cho đến cuối tháng 11/2024, Bảo hiểm PVI đã tiến hành tạm ứng bồi thường cho rất nhiều khách hàng, với số tiền trên 63 tỷ đồng và công tác tạm ứng vẫn đang được tiếp tục trong thời gian tới. Phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã xác định được vai trò quan trọng của bảo hiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một phần còn lại vẫn chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của bảo hiểm. Do vậy, lúc tổn thất xảy ra đã phải chịu hậu quả nặng nề. Trên thị trường cũng đã có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm được nhà bảo hiểm cung cấp cho khách hàng, khách hàng cần phải tự đánh giá các rủi ro mà doanh nghiệp của họ thường gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó trao đổi hoặc đề xuất với nhà bảo hiểm để cung cấp dịch vụ bảo hiểm phù hợp. Tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm lớn trên thế giới Cùng với uy tín và năng lực tài chính vững mạnh, Bảo hiểm PVI đã và đang hợp tác với các nhà tái bảo hiểm và các nhà môi giới hàng đầu trên thế giới để đảm bảo và mở rộng năng lực tiếp nhận dịch vụ. Từ đó, những rủi ro này sẽ được bảo vệ bởi các tổ chức tài chính có quy mô toàn cầu. Bảo hiểm PVI cũng vừa tham dự Hội nghị Tái bảo hiểm Quốc tế Singapore (SIRC) lần thứ 20, được tổ chức tại Singapore. Với vai trò doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ số 1 của Việt Nam có xếp hạng tín nhiệm tài chính A- (xuất sắc) từ AM Best, Bảo hiểm PVI đã nhận được nhiều sự quan tâm và lời mời hợp tác. Tại đây đoàn đã đón tiếp và có những phiên làm việc với hơn 600 khách hàng của 132 công ty tái bảo hiểm, môi giới đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hannover RE; Swiss Re; Guy Carpenter; Singapore Re; HDI; Gallagher Re; Korean Re; SCOR Re; HLAP; TRANS Re; AXA Insurance; CCR RE; Canopius… |
|