| Tân Cảng Cái Mép (TCIT) nằm trong cụm cảng Cái Mép- Thị Vải. Ảnh: Q.K |
Khoảng 15% hàng XNK thông quan tại cảng Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến đối với đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới” được tổ chức mới đây. Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hiện tại, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang hoạt động tích cực và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động logistics của khu vực. Khu vực Cái Mép - Thị Vải có khoảng 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 5 năm qua, mỗi năm, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đón tàu có kích cỡ ngày càng lớn. Tổng số lượt tàu có trọng tải lớn trên 80.000 tấn ra vào cảng biển Cái Mép - Thị Vải từ năm 2017 đến nay có sự gia tăng, từ 1.524 lượt (năm 2017) đã tăng lên 1.644 lượt (năm 2022). Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, khu bến Cái Mép có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi châu Mỹ và châu Âu lớn hơn hẳn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Singapore. Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiếp nhận được 25 tuyến vận tải biển đi Mỹ. Trong đó có tới 22 trong số 25 tuyến này xuất phát từ Cái Mép - Thị Vải. Ngoài ra, tại khu vực này cũng có 2 tuyến xuất phát đi châu Âu và 10 tuyến đi Nội Á. Con số này đã tăng khoảng 3 lần so với năm 2018 (năm 2018, có 8 tuyến đi châu Mỹ và châu Âu). Với nhiều lợi thế thuận lợi, nhưng doanh nghiệp còn hạn chế sử dụng trực tiếp cụm cảng Cái Mép – Thị Vải để thông quan xuất nhập khẩu hàng hoá. Đưa ra con số cụ thể, ông Bùi Văn Quỳ cho rằng, hiện nay, tỷ lệ giao nhận container trực tiếp tại cảng Cái Mép- Thị Vải chỉ dao động khoảng 13-15% sản lượng thông qua cảng. Còn lại hơn 85% hàng hóa xuất nhập khẩu đều được tập kết và vận chuyển về các khu vực TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương…bằng đường sà lan. Lý giải về tình trạng doanh nghiệp còn hạn chế sử dụng trực tiếp cụm cảng Cái Mép – Thị Vải để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Bùi Văn Quỳ đưa ra 3 nguyên nhân chính. Một là, do tình trạng ùn ứ giao thông đường bộ. Trong khi chờ hệ thống kết nối giao thông liên vùng đi vào hoạt động thì hiện nay Quốc lộ 521 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào dịp lễ, tết, ngày cuối tuần. Điều này làm giảm vòng quay, giảm hiệu quả khai thác của các phương tiện vận tải. Hai là, do các chủ hàng đều ở các khu công nghiệp thuộc TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh nên việc kết nối đến cảng Cát Lái rất gần và thuận tiện (nhiều khu vực chỉ cách cảng từ 10 – 20km), trong khi đó, cách Cái Mép – Thị Vải 70km. Đó là chưa kể phí BOT của các trạm thu phí và các loại chi phí phát sinh khác cũng làm gia tăng đáng kể chi phí vận chuyển. Ba là, cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải có hệ sinh thái dịch vụ logistics cảng biển chưa được đầu tư đầy đủ nên khó khăn trong việc tiếp cận, thuyết phục khách hàng giao nhận trực tiếp; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng; thiếu các trung tâm kiểm tra chất lượng nhà nước tại khu vực cảng. Tìm giải pháp hút hàng trung chuyển Theo các chuyên gia, trong quá trình phát triển cảng cửa ngõ và trung chuyển quốc tế tại Cái Mép – Thị Vải, có một số hạn chế và chính sách cần được nhận diện để đưa ra các giải pháp phù hợp. Cụ thể, cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ ở khu vực này còn hạn chế, đặc biệt là về hệ thống đường nối từ cảng đến các tuyến đường quốc lộ và cao tốc đang triển khai thi công, gây trở ngại cho việc vận chuyển hàng hóa từ cảng ra các điểm đến. Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông liên kết vùng, sớm triển khai trung tâm logistics Cái Mép Hạ, thu hút đầu tư đối với các ngành hàng sử dụng container, chính sách thông thoáng, đột phá để thu hút đầu tư; chính sách ưu đãi đối với các hãng tàu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistcs, sản xuất lớn; đồng hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thu hút hàng trung chuyển về khu bến Cái Mép thông qua việc xem xét sửa đồi, bổ sung các quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tương tự như quy định của các nước có cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực: giảm nội dung thủ tục khai báo; giảm danh mục hàng trung chuyển bị cấm qua Việt Nam; thông quan điện tử theo nguyên tắc "một cửa"; triển khai đồng bộ các dịch vụ khai, nộp chứng từ điện tử và thanh toán thông qua ngân hàng trực tuyến; ứng dụng công nghệ để thực hiện quản lý, giám sát hải quan thông qua việc phân làn, tuyến hàng hóa được phép di chuyển; sử dụng seal điện tử, lắp đặt thiết bị định vị GPS trên các xe chở container, thiết lập hệ thống camera giám sát,... Đối với kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại Cái Mép- Thị Vải để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ/trung chuyển, nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa xuất/nhập khẩu. Cùng với đó, có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép; khung pháp lý để hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tại Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, các luật thuế nhằm cụ thể hóa chủ trương hình thành, phát triển khu trung chuyển quốc tế, tạo tiền đề về khung pháp lý để thí điểm hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do. Từ đó, doanh nghiệp được hưởng cơ chế hải quan đặc thù và chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, dòng vốn, luồng thương mại,... thúc đẩy nhu cầu vận tải. |