(CMO) Gánh trên vai nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, những ngày này, cán bộ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch bận rộn hơn bao giờ hết. Gạt bỏ lo toan, muộn phiền đời thường, niềm vui đơn giản lúc này là được nhìn thấy bệnh nhân xuất viện. Mỗi ca từ dương tính chuyển sang âm tính lại ánh lên niềm tin mãnh liệt cho những "chiến sĩ" khoác áo blouse.
Không chùn bước
Cũng như mọi ngày, đến ca trực, ê-kip tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Ða khoa tỉnh lại bước vào guồng máy. Như một thói quen, mỗi động tác, cử chỉ trở nên thuần thục hơn, sẵn sàng ứng biến với mọi tình huống xấu, nan giải nhất.
Ðể tránh việc lây nhiễm chéo, hạn chế tiếp xúc gần những khi không thăm khám, tại Khoa Truyền nhiễm đã sáng chế ra dụng cụ đưa thức ăn, thuốc, bất cứ vật dụng gì bệnh nhân cần bằng một chiếc ròng rọc tự chế. Nguyên lý hoạt động đơn giản, chi phí lắp đặt thấp mà hiệu quả vượt ngoài mong đợi.
Ròng rọc đưa vào sử dụng từ đợt bùng dịch lần đầu tiên tại Cà Mau, không chỉ tiện lợi mà còn tiết kiệm phần nào chi phí trang bị đồ bảo hộ tại bệnh viện. Khi đến khung giờ phát thuốc, thức ăn, thông qua loa, gọi tên bệnh nhân ra nhận.
Bác sĩ CKI Lê Văn Phía, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, bộc bạch: “Ðể tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, điều đầu tiên là mỗi người phải hiểu và làm được cách bảo hộ an toàn. Ðã làm nghề y thì trước hết phải có tâm, tập thể, cán bộ y, bác sĩ tại các khoa khác nói chung và tại Khoa Truyền nhiễm nói riêng đều khá thoải mái, sẵn sàng tiếp nhận điều trị. Với nhân viên y tế, phòng hộ tốt, làm đúng quy trình thì không có gì phải lo sợ, hoang mang”.
Những ngày đầu tiếp nhận điều trị các ca bệnh liên quan đến Covid-19, điều mà các y, bác sĩ lo lắng nhất chính là sự lây nhiễm chéo. Lúc này, để đảm bảo an toàn cho người thân, hầu hết mọi người đều ngủ, nghỉ, sinh hoạt tại khoa, chuyện phải tạm xa gia đình trong thời gian dài luôn là nỗi trăn trở.
Ðội ngũ y, bác sĩ túc trực xuyên suốt theo dõi tình hình của bệnh nhân mắc Covid-19.
Quyết định số 5188/QÐ-BYT, ngày 14/12/2020, của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đưa vào thực thi, không chỉ cho thấy bước tiến trong công tác đánh giá, tầm soát sự lây lan dịch bệnh mà còn phần nào xoa dịu muộn phiền cho đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch, an tâm làm nhiệm vụ trong cơ chế an toàn cho bản thân và cả gia đình.
Theo đó, sau mỗi lần thăm khám, ngoài tuân thủ các bước bảo hộ đúng quy trình, nhân viên y tế sẽ tiến hành đánh giá rủi ro phơi nhiễm Covid-19. Lần nào tính lần đó, nếu kết quả bình thường thì mọi người có thể về nhà, bên cạnh đó, hàng tuần còn tiến hành test nhanh.
Bác sĩ CKI Trần Thanh Sang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, cho biết: “Công tác khám, điều trị Covid-19 tại bệnh viện chủ yếu do Khoa Truyền nhiễm và Khoa Hô hấp - Lao, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đảm nhận. Hiện tại, với nguồn nhân lực sẵn có, bệnh viện kích hoạt phương án 3, tiếp nhận điều trị 20-40 bệnh nhân Covid-19 (trong đó có khả năng điều trị 20 bệnh nhân nặng). Hướng tới, bệnh viện xây dựng phương án mở rộng, thành lập khu điều trị Covid-19 riêng biệt (trưng dụng khoa điều trị theo yêu cầu). Khi phương án hoàn thiện sẽ tiếp nhận điều trị cùng lúc từ 150-200 bệnh nhân (trong đó có khả năng điều trị từ 20-40 bệnh nhân nặng). Trong trường hợp bệnh nhân vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến ngoài bệnh viện”.
Những bóng hồng trong "tuyến lửa"
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bên cạnh những khó khăn, trăn trở về công tác tiếp nhận điều trị tại chỗ, với vai trò người mẹ, người vợ, người con trong gia đình, nhiều nữ bác sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng sẵn sàng hy sinh lợi ích, hạnh phúc riêng để chăm sóc cho người bệnh bằng cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc.
Là người có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng khi bước vào nhiệm vụ, chị Lâm Thị Út, điều dưỡng Khoa Truyền nhiễm cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù ở nhà, mẹ chị mắc bệnh tai biến cần người chăm nom, chị còn phải chăm sóc 2 con nhỏ.
Chị Út tâm tình: “Lúc đầu tiếp xúc bệnh nhân cũng hoang mang lắm, nhưng giờ thì bình thường. Ðối với các ca bệnh đến điều trị Covid-19, điều đầu tiên là phải trấn an, khích lệ tinh thần bệnh nhân. Trong quá trình điều trị thì động viên bệnh nhân ăn uống, vận động, kết hợp sinh hoạt lành mạnh để tăng sức đề kháng. Có như vậy sức khoẻ mới mau phục hồi”.
Làm việc trong môi trường đặc biệt, để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, đội ngũ y, bác sĩ luôn tuân thủ các bước phòng hộ, nhất là khâu mặc và thay trang phục phải đúng trình tự, bỏ đúng nơi quy định. Ðã làm nghề này thì việc sẵn sàng túc trực ngày đêm là không thể tránh khỏi. Trong đợt tiếp nhận điều trị thứ 4, bệnh viện tiếp nhận BN 23747, 88 tuổi, chuyển biến nặng, nên phải theo dõi xuyên suốt, can thiệp kịp thời.
Công tác tại bệnh viện 10 năm, từng tiếp nhận nhiều bệnh nguy hiểm, nhưng đối với chủng SARS-CoV-2 lần này, chị Dương Thị Chín, điều dưỡng Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cùng các đồng nghiệp không tránh khỏi áp lực trong thực hiện nhiệm vụ.
“Chúng tôi không ngại lây nhiễm, cái quan tâm nhất, đặt lên hàng đầu vẫn là sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân. Trong mỗi buổi giao ban, anh em động viên nhau làm tốt công tác bảo hộ. Khi sức khoẻ bệnh nhân có tiến triển tốt thì mỗi người chúng tôi đều phấn khởi. Các khoa khác luôn hỗ trợ, chia sẻ hết mình. Ðây cũng là liều thuốc tinh thần hữu hiệu để đập tan mọi mệt mỏi, áp lực, phấn chấn tinh thần”, chị Chín bộc bạch.
Hành trình chống dịch, bên cạnh những lo toan, trăn trở; vượt qua mọi khoảng cách, mỗi người với chuyên trách đã và đang nỗ lực hết sức để được thấy bệnh nhân xuất viện, thấy nụ cười và cái vẫy tay chào của mỗi bệnh nhân. Mọi sự cố gắng đều sẽ được đền bù./.