Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh đã chuyển sang nghề câu mực ốc thay cho nghề kéo lưới, câu mực truyền thống trước đây. Đây là một nghề khai thác mực vừa mới được ngư dân tỉnh Kiên Giang chuyển giao phương tiện và kỹ thuật khai thác, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên ngư dân hết sức phấn khởi.
Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh đã chuyển sang nghề câu mực ốc thay cho nghề kéo lưới, câu mực truyền thống trước đây. Đây là một nghề khai thác mực vừa mới được ngư dân tỉnh Kiên Giang chuyển giao phương tiện và kỹ thuật khai thác, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên ngư dân hết sức phấn khởi.
Anh Lê Văn Thanh, ấp 3, xã Khánh Hội, chia sẻ: “Trước đây, tôi làm nghề kéo lưới mực với cào. Một lần tình cờ, tôi quen được người bạn ở tỉnh Kiên Giang làm nghề câu mực ốc. Qua hỏi thăm thấy hiệu quả nên tôi nhờ người bạn này hướng dẫn thực hiện. Thật bất ngờ là nghề này không chỉ phù hợp với ngư dân ở cửa biển Khánh Hội, ít tốn thời gian, dễ thực hiện mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt là không tác động đến môi trường sống của các loài sinh vật biển khác khi khai thác”.
Nghề câu mực ốc đang mở ra hướng đi mới cho ngư dân trên địa bàn huyện U Minh.
Ðể câu được mực tua, ngư dân sử dụng 1 dây gường chính dài từ 300-500 m có cột phao ở 2 đầu. Trên sợi dây ấy cứ khoảng cách 1 m có 1 sợi dây nhánh dài khoảng 0,5 m buộc chặt vào miệng vỏ con ốc biển rồi đem đi thả. Do lòng ốc biển rộng nên rất thích hợp cho mực vào đó trú ngụ. Theo đó, mực tua râu ngắn chui vào vỏ ốc biển và cứ thế ngư dân kéo vỏ ốc lên để bắt mực. Với cách làm này, trung bình mỗi đêm 1 ghe câu mực ốc thu nhập từ 5-7 triệu đồng, có khi trúng mỗi đêm thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Ông Phan Thế Ẩn, ngư dân hành nghề câu mực ốc ở ấp 4, xã Khánh Hội, vui mừng cho biết: “Lúc đầu thấy vài anh em làm nghề, tôi không tin là vỏ ốc ấy lại có thể bắt được mực. Sau vài lần tham khảo, thấy anh em làm hiệu quả nên tôi cũng bắt chước làm theo. Cách khai thác này hiệu quả khá cao, vừa ít tốn công lại dễ thực hiện. Mình không phải ngồi ôm cần câu sáng đêm như lúc trước, vừa buồn ngủ, vừa mệt mỏi. Cũng không cần đông ngư phủ như trước đây, mỗi sợi dây chính chỉ cần 2 người là được. Kể từ khi chuyển qua cách làm này, ghe của tôi với 3 sợi dây chính dài hơn 1.300 m, trung bình mỗi đêm thu hoạch từ 7-10 triệu đồng, sau khi chia cho anh em mình cũng còn kha khá nên phấn khởi lắm”.
Trước hiệu quả của nghề câu mực mới này, hiện nay nhiều ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội đang khẩn trương chuyển đổi sang nghề này thay cho nghề khai thác truyền thống. Trên địa bàn có hơn 20 phương tiện làm nghề câu mực ốc, hầu hết các phương tiện này trước đây đều hành nghề cào và kéo lưới mực, không chỉ khai thác kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản.
Ông Lê Quốc Linh, ở ấp 3, xã Khánh Hội, cho biết: “Tôi và hầu hết ngư dân ở đây khai thác đánh bắt chủ yếu là phương tiện nhỏ và vừa nên trước đây, dù biết đánh bắt gần bờ là trái với quy định của pháp luật, làm hại đến nguồn lợi thuỷ sản nhưng vì mưu sinh buộc mình phải làm. Chính vì thế, khi có nghề câu mực này thấy hiệu quả lại bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản nên chuyển qua liền. Làm được hơn 2 tháng nay, thấy hiệu quả hơn trước rất nhiều nên tôi phấn khởi lắm”.
Hiệu quả là vậy, tuy nhiên hiện nay nghề câu mực ốc ở Khánh Hội vẫn tự phát, chưa có sự quản lý, kiểm soát và đầu tư, hướng dẫn của ngành chức năng về cách thức khai thác để đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội rất cần sự quan tâm, đầu tư của các ngành chức năng, hỗ trợ ngư dân vốn để đầu tư phương tiện, kỹ thuật. Một khi nghề câu mực ốc được quan tâm đầu tư đúng mức không chỉ góp phần tích cực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường, giúp ngư dân phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần cùng với địa phương khai thác thuỷ sản một cách hiệu quả và bền vững./.