1. Ngâm chân bằng lá tía tô: giảm cơn đau bệnh gout, thúc đẩy tuần hoàn máu
Người bệnh gout thường bị sưng đỏ, đau nhức các khớp ở tay và chân do sự tích tụ acit uric trong máu, lâu dần gây ra tình trạng viêm. Khi ngâm chân bằng lá tía tô, tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm do thảo dược này chứa 4 hợp chất đặc biệt có khả năng ức chế các Enzyme xanthine oxidase (nguyên nhân hình thành axit Uric).
Bên cạnh đó, thành phần tinh dầu Limonen, Cl-pinen, Perilla-andehyt và Dihydrocumin; các hoạt chất Adenin C5H5N5 và Acginin C6H14N4O2 có trong tía tô có tính chất giảm đau, chống viêm, ngăn ngừa nhiễm khuẩn và giãn mạch. Vì vậy khi dùng tía tô ngâm chân là phương pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu tác hại gây ra bởi bệnh gout. Bạn có thể đem lá tía tô đun với nước, sau đó dùng để ngâm chân.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng mỗi người có thể phản ứng khác nhau đối với liệu pháp này, và tốt nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi áp dụng.
2. Trà lá tía tô, lá sen, lá trà xanh: giảm béo
Bạn thêm 3 g lá tía tô và 3 g lá sen vào một lượng trà xanh thích hợp. Sau đó, thêm nước sôi vào và uống như trà. Thường xuyên uống món nước này hàng ngày giúp phân hủy chất béo tích tụ bên trong cơ thể và đào thải nó ra ngoài. Nước uống này có lợi ích rất lớn cho việc giảm cân và giúp con người có được vóc dáng thon gọn.
3. Ngâm lá tía tô và đường nâu: giảm kinh nguyệt không đều
Lá tía tô có tác dụng điều hòa, thúc đẩy lưu thông máu đặc biệt tốt. Đun lá tía tô với đường nâu trong nước sôi và uống có thể làm giảm kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Cách pha cụ thể là lấy 3 đến 5 g lá tía tô, thêm 10 g đường nâu, hãm với nước sôi rồi uống.
4. Ngâm lá tía tô và gừng với nhau: xua tan cảm lạnh
Bạn có thể đem lá tía tô tươi đem phơi nắng trong một hoặc hai ngày, sau đó cắt thành từng sợi mỏng. Sau đó, bạn cho lá tía tô và vài lát gừng vào nước sôi, pha uống vào mùa đông để ngăn ngừa cảm lạnh.
5. Cháo tía tô: Chữa cảm lạnh
Lấy 30 g lá tía tô tươi cho vào nồi cháo đã nấu chín, đun khoảng 2-3 phút thì vớt ra và ăn. Món cháo này không chỉ có tác dụng xua lạnh, giảm đau mà còn có tác dụng bồi bổ dạ dày, dưỡng khí, thích hợp nhất cho người già, người bị suy nhược và trẻ em bị cảm lạnh.
6. Lá tía tô trong trà: Trị đau đầu
Bạn có thể lấy một ít lá tía tô, cho vào tách trà, hãm với nước sôi uống. Sau 2-5 phút, lọc lấy lá đắp lên thái dương, huyệt đại chùy (nằm ở giữa lưng, cách dưới xương sống cổ một khoảng) hoặc vùng đau đầu để giảm đau.
7. Nước lá tía tô: Chữa đau nhức cơ thể
Khi đau nhức cơ thể vì ngồi ở bàn làm việc quá lâu, nên lấy 300-500 g lá tía tô, đun sôi với nước, uống lúc còn ấm.
8. Thịt heo hầm lá tía tô: Chữa đau bụng
Lấy 30 g lá tía tô già, 25 g gừng và 20 hạt tiêu cùng muối, hạt nêm, hầm nhừ với thịt lợn. Món ăn này có thể trị chứng đau bụng do lạnh, đồng thời cũng có tác dụng trị khí ứ, nấc cụt, tức ngực và đau sườn.
9. Đắp lá tía tô: Chữa vết thương do côn trùng cắn
Nếu da bị ngứa sau khi bị sâu bướm hoặc côn trùng nhỏ khác cắn, bạn có thể sơ cứu vết thương trước, sau đó nghiền lá tía tô tươi hoặc xay lá tía tô khô thành bột, thêm một chút giấm rồi bôi lên vết thương để giảm đau, giảm ngứa. Trong trường hợp nặng hơn, cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế.
10. Nước tía tô đường: Chữa nôn mửa khi mang thai.
Lấy 20 g tía tô tươi hoặc 10 g tía tô khô đun sôi với nước, thêm một chút đường rồi uống để có tác dụng chống nôn.
>> Xem thêm điều gì xảy ra khi uống nước tía tô liên tục trong một tháng?
Hằng Trần(Theo Sina, Sohu)