游客发表
发帖时间:2025-01-11 06:10:34
Tăng do thu theo năm tài chính
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) để nâng cao chất lượng KCB, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì thế, chi phí KCB tăng lên, đồng thời với việc chất lượng KCB cũng tăng lên. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Y tế, Nhà nước đang điều chỉnh dần giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các dịch vụ y tế. Chính vì vậy, mức đóng BHYT ở một số lĩnh vực được điều chỉnh tăng lên. Mức đóng của một số đối tượng như HSSV, người nghèo, người cận nghèo cũng được điều chỉnh từ 3% tăng lên 4,5% so với lương cơ bản.
Trước phản ứng của nhiều phụ huynh cho rằng, khi thực hiện đóng BHYT HSSV đầu năm học 2015 - 2016 tại một số địa phương tăng thời gian thu từ 12 tháng lên 15 tháng là không đúng theo quy định, ông Nguyễn Đình Khương cho hay, thu BHYT HSSV là thu theo năm học, từ tháng 9 năm nay đến tháng 9 năm sau.
Theo quy định mới của Liên Bộ Y tế - Tài chính, từ năm học 2015 - 2016 thu theo năm tài chính, tức là từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm đó. Năm nay là năm giao thời trong lúc chuyển từ cách thu cũ sang cách thu mới nên có dư ra 3 tháng, thành 15 tháng tất cả. Đến năm 2017 sẽ thu lại bình thường theo năm tài chính là 12 tháng.
Như vậy, năm học này, số tiền mỗi HSSV phải đóng là 543.375 đồng (bằng 4,5 % mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, học sinh đóng 70%). HS thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo có quyền được tham gia BHYT theo hộ gia đình để được Nhà nước hỗ trợ mức cao hơn (người nghèo được hỗ trợ 100%, người cận nghèo được hỗ trợ 70%) ngay từ đầu năm để tránh phải đổi thẻ, cấp lại thẻ, hoàn trả tiền đã đóng.
Nhiều lợi ích cho HSSV
Theo ông Nguyễn Đình Khương, năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên BHYT HSSV thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới, mang lại nhiều quyền lợi cho HSSV khi tham gia.
Với HSSV, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hưởng hơn những người khác. Cụ thể, mức đóng này sẽ được giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số NSNN đã hỗ trợ 30% theo quy định. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí dành cho KCB BHYT của địa phương chưa sử dụng hết trong các năm trước để hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng, kể cả đối tượng HSSV.
Bên cạnh đó, HSSV còn được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Khi đi KCB BHYT, HSSV vẫn được hưởng 80% chi phí KCB, đồng chi trả 20%, trừ nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công, thân nhân liệt sỹ. HSSV tham gia BHYT 5 năm liên tục và có chi phí đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB không đúng tuyến) được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Điểm mới nữa là thời hạn sử dụng thẻ BHYT dài hơn. Những năm học trước, thẻ BHYT HSSV có giá trị sử dụng từ đầu năm học (đầu tháng 9 hoặc tháng 10) và hết hạn sau 12 tháng (cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 năm sau). Thực hiện đóng BHYT theo năm tài chính nên thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV sẽ là theo năm tài chính, tức là từ 01/01 đến 31/12 của năm.
Ông Nguyễn Đình Khương cho biết thêm, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung của Thông tư liên tịch số 41. Riêng về hình thức đóng BHYT cho HSSV, BHXH Việt Nam đang kiến nghị Liên Bộ thay đổi phương thức đóng linh hoạt hơn. Cụ thể, tạm thời thu 3 tháng trong năm 2015. Sang năm 2016, sẽ phân kỳ, có thể 6 tháng thu một lần, hoặc thu 9 tháng một lần, sau đó tiếp tục thu 3 tháng cuối năm. Khi phân kỳ như vậy, sẽ giảm được áp lực cho các cháu học sinh và cha mẹ các cháu đóng phí BHYT đầu năm.
Theo quy định về nguyên tắc BHYT tại Luật BHYT, quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất. Điều này có nghĩa là mọi nguồn thu BHYT của mọi đối tượng sẽ được sử dụng chung cho tất cả những ai tham gia BHYT mà không có sự phân biệt người già, người trẻ hay đối tượng khác. |
Vân Hà
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接