(CMO) Dịch vụ công trực tuyến tuy được hình thành khá lâu, nhưng đến nay nhiều người dân chưa thật sự hiểu và áp dụng vào cuộc sống. Ðây là một rào cản, thách thức để hướng đến một nền hành chính hiện đại, hiệu quả.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, đã qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm, đẩy mạnh. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh từng bước được nâng cấp, hoàn thiện và đã được Trung tâm Chính phủ điện tử - Cục Tin học hoá, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp chứng nhận đáp ứng các yêu cầu chung theo quy định. Hiện nay, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh (cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) đều được thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Ngày 26/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 591 về Danh mục dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 thực hiện trong năm 2021 của tỉnh Cà Mau. Theo đó, có 567 dịch vụ công mức độ 3 (tỷ lệ 28,84%), 647 dịch vụ công mức độ 4 (tỷ lệ 32,9%). Có 579 TTHC đã tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, chiếm 47,69% tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, có 98.419 hồ sơ nộp trực tuyến (cấp tỉnh 91.071 hồ sơ, chiếm 54,36%; cấp huyện 7.154 hồ sơ, chiếm 10,1%; cấp xã 194 hồ sơ, chiếm 0,2%).
DVCTT của tỉnh Cà Mau hiện nay được thực hiện theo mô hình kết hợp và liên thông. Ðiểm nổi bật của hệ thống này là công khai, minh bạch từng ngày, từng đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, liên kết với Cổng DVCTT Quốc gia về tiến độ thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC của công dân “đúng hạn, trễ hạn”. Ðiều đặc biệt của hệ thống này là tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC lần thứ 2 trở lên, là có thể cung cấp mã hồ sơ đã giao dịch trước đó để tái sử dụng kết quả TTHC lần thứ nhất và thành phần hồ sơ đã nộp kèm theo trước đó, dù giao dịch trước đó với bất kỳ cơ quan nào, cấp nào trong hệ thống DVCTT của Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau.
Lợi ích là thế, song trên thực tế nhiều người chưa thật sự hiểu và thực hiện, từ đó làm cho kết quả sử dụng DVCTT tại địa phương chưa như kỳ vọng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù công tác tuyên truyền người dân tham gia giải quyết TTHC thông qua hình thức trực tuyến được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích ở cấp huyện, cấp xã còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân của hạn chế này là do người dân chưa quen, chưa thật sự tin tưởng vào việc giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến, từ đó lựa chọn cách thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa các cấp.
Vẫn còn nhiều người dân lựa chọn nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. (Ảnh chụp tại bộ phận một cửa UBND Phường 1, TP Cà Mau năm 2020).
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết, từ năm 2017 UBND huyện đã triển khai việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC trên hệ thống DVCTT của tỉnh, nhưng đến năm 2019, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã mới thực hiện cập nhật hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết lên phần mềm một cửa điện tử. Tổng số thủ tục cung cấp DVCTT ở mức độ 3, 4 là 260 thủ tục (trong đó có 223 thủ tục mức độ 3; 37 thủ tục mức độ 4). Ðến cuối năm 2020 có 1.389 hồ sơ nộp trực tuyến. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 29 thủ tục; có 540 hồ sơ trực tuyến, chiếm 21,46% so với số hồ sơ đã tiếp nhận.
“Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến còn hạn chế. Nguyên nhân do đa phần người dân có thói quen đến trực tiếp bộ phận một cửa thực hiện TTHC; mặt khác, một số người dân chưa quen tiếp cận các thiết bị thông tin nên gặp khó khăn trong các thao tác trên máy tính, điện thoại...”, ông Vững nhìn nhận.
Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Tăng Vũ Em cho biết, UBND thành phố thực hiện 183 DVCTT mức độ 3, mức độ 4; UBND xã, phường thực hiện 99 DVCTT. Trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố có 698 hồ sơ trực tuyến, chiếm 13,1%; cấp xã không phát sinh hồ sơ trực tuyến (riêng UBND xã An Xuyên có 2 hồ sơ trực tuyến). Cũng giống với các địa phương khác trong tỉnh, mặc dù đã qua công tác tuyên truyền vấn đề này luôn được quan tâm thực hiện, song tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 phát sinh vẫn còn hạn chế.
“Ðể đẩy mạnh thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Cà Mau đã chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính khi phát sinh giao dịch TTHC mức độ 3, mức độ 4”, ông Tăng Vũ Em cho biết thêm.
Từ thực tế đặt ra, trong vấn đề này có nhiều ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền cần được chú trọng, đổi mới về hình thức. Phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao dịch với cơ quan Nhà nước.
Ðể DVCTT ngày càng phổ biến, tỉnh Cà Mau cần bố trí bộ phận tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen, sử dụng dịch vụ tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư. Các cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình tuyên truyền, quảng bá cho người dân hiểu được lợi ích từ việc sử dụng DVCTT, có phương án khuyến khích người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng DVCTT của tỉnh. Ðồng thời, nên có phương án ưu tiên giải quyết sớm những hồ sơ được nộp qua mạng; có chính sách nâng cao khả năng sử dụng máy tính và Internet của người dân, doanh nghiệp. Ðào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đảm bảo đủ kỹ năng, trình độ để thực hiện quy trình, nghiệp vụ.
Người dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tin tưởng và hiểu rõ lợi ích lớn của dịch vụ công mang lại. Mạnh dạn sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp để tạo thói quen, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và đảm bảo thuận tiện.
Và nên chăng, UBND tỉnh có thể xem kết quả giải quyết TTHC thông qua DVCTT là 1 tiêu chí thi đua để các ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh?