Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về NSNN. Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách.
Giữ nghiêm kỷ luật thu - chi ngân sách
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã cố gắng trong quản lý NSNN và đạt được những kết quả quan trọng, kỷ luật, kỷ cương ngân sách được tăng cường. Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách được phát hiện và xử lý kịp thời. Cơ chế, chính sách về quản lý thu, chi ngân sách được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nói chung và hiệu quả sử dụng NSNN nói riêng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm chế độ, chính sách quản lý thu, chi ngân sách còn xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công… vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc thực hiện nghiêm quy định, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN.
Đối với công tác quản lý thu NSNN, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào những doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao; đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu NSNN…
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, triệt để tiết kiệm. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán chi, điều hành, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Tại chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát NSNN; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công…
Chậm xử lý sai phạm sẽ tạm dừng cấp kinh phí
Theo chỉ thị, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiệm vụ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài sản công; chậm thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiến nghị của cơ quan kiểm toán đối với các vi phạm xảy ra trong quản lý thu, chi NSNN thuộc trách nhiệm được giao quản lý. “Định kỳ cuối năm, tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân, gửi Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp việc thực hiện xử lý kỷ luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, chỉ thị nêu rõ.
Trong trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kết luận của cơ quan thanh tra, kiến nghị của cơ quan kiểm toán hoặc tiến độ xử lý các sai phạm chậm, Bộ Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Võ Thành Hưng, chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp nên đây là vấn đề luôn được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo điều hành ngân sách. Ông Võ Thành Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.
Chia sẻ thêm, ông Võ Thành Hưng cho biết, trên thực tế, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách vẫn còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, số chuyển nguồn lớn và kéo dài đội chi phí lên cao... “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính – NSNN. Trong tổ chức thực hiện, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; chi NSNN chặt chẽ theo phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao”, Vụ trưởng Vụ NSNN của Bộ Tài chính cho hay.
Trong trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kết luận của cơ quan thanh tra, kiến nghị của cơ quan kiểm toán hoặc tiến độ xử lý các sai phạm chậm, Bộ Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Minh Anh