Nguy hiểm rình rập
Cuối tháng 2-2023 là đỉnh điểm của mùa khô,n nhận định braga tuy không có mưa nhưng cây cỏ mọc um tùm từ chân đồi lên đỉnh. Cả một đoạn đường dài vách đất, đá thẳng đứng và sát mép ĐT755B khiến ai đi qua đây lần đầu cũng… rùng mình. Người dân sống quanh khu vực này cho biết, mỗi lần có xe tải nặng chạy qua, đất đá, cây cối trên đồi rung lên và cảm giác có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Phía trên đỉnh đồi, dù độ dốc cao nhưng người dân vẫn tận dụng để canh tác, chủ yếu là trồng điều và cà phê. Mùa mưa, nguy cơ sạt lở tại vị trí này càng hiện rõ, nước từ trên cao đổ xuống tạo ra nhiều rãnh, khe nứt sâu vào lòng đồi. Sau nhiều ngày ngấm nước, lớp đất đá sẽ bị vỡ kết cấu và dễ dàng sạt lở xuống đường gây nguy hiểm.
Đoạn đường hẹp cong cua, che khuất tầm nhìn, bên phải là đồi núi nên nguy cơ sạt lở cao cần sớm được khắc phục
Tại vị trí này (từ Km31+400 đến Km31+500 trên ĐT755B) trước đó từng nhiều lần xảy ra tình trạng sạt lở, gây cản trở giao thông, uy hiếp sự an toàn của người đi đường. Anh Nguyễn Trung Tín, chủ quán nước giải khát gần khu vực sạt lở cho biết: “Năm nào có mưa lớn, kéo dài chắc chắn xảy ra sạt lở. Người dân địa phương biết nên mỗi lần qua đây rất cảnh giác và thường chủ động đi thật nhanh. Nguy hiểm nhất là đối với học sinh ở thôn 5, thôn 6, xã Đăng Hà vì trường THCS và THPT ở gần UBND xã nên hằng ngày các em phải đi qua đây. Phần lớn các em tự đi xe đạp điện hoặc xe máy. Giờ tan học, các em thường về cùng nhau và đi đông, nguy cơ rủi ro rất cao”.
Anh Tín chia sẻ thêm: “Trước đây, ngành chức năng của tỉnh đã có giải pháp khắc phục sạt lở tại vị trí dốc gần đó. Tuy nhiên, vị trí này thì chưa có giải pháp bền vững mà chỉ sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền xã thuê xe cơ giới múc đất lở đi chỗ khác để không trôi ra đường. Do vậy, rất mong tỉnh quan tâm đầu tư giải quyết dứt điểm tình trạng này. Hơn nữa, cũng tại đây đường rất hẹp và cong, che khuất tầm nhìn, các trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu rất dễ gây tai nạn. 2 năm trước, đã có người đi xe máy tử vong do tông trực diện với xe ôtô di chuyển ngược chiều, do vậy ngành chức năng cần xem xét khắc phục điểm đen này”.
Dân phải chờ đến khi nào?
Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Lục Đức Lập cho biết: Trước thực trạng mất an toàn giao thông trên tuyến, UBND xã đã có văn bản gửi UBND huyện Bù Đăng và Sở GTVT về vấn đề này. Đồng thời, năm 2022, trong các ngày 13-9, 6-10 và 17-10, UBND xã và đại diện lãnh đạo Khu Quản lý bảo trì đường bộ, Sở GTVT đã khảo sát vị trí sạt lở, làm việc với người dân để tìm giải pháp khắc phục. Các bên đã được thông báo về chủ trương và phương án thiết kế hồ sơ kinh tế kỹ thuật “Về việc sửa chữa, khắc phục sạt lở đất tại Km31+400 đến Km31+500 trên đường 755B” đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 4273/UBND-KT ngày 23-12-2021 “Về việc thống nhất danh mục công trình cần sửa chữa, nâng cấp để phòng, chống thiên tai năm 2021-2022”.
Qua khảo sát và làm việc thực tế được biết: Diện tích đất sạt lở và cần khắc phục khoảng 3.000m2, trong đó diện tích dự kiến bạt mái taluy từ mép đường vào phía đồi 1.500m2, còn lại là diện tích ảnh hưởng cây trồng. Người đang canh tác thửa đất trong diện tích nêu trên là gia đình bà Võ Thị Ánh Nguyệt ở thôn 5, xã Đăng Hà. Hộ bà Nguyệt đồng ý chủ trương khắc phục sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông tại vị trí này. Tuy nhiên, gia đình bà đề nghị Nhà nước hỗ trợ đền bù đất và vật kiến trúc, cây trồng trên đất với số tiền khoảng 600 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Ông Phan Minh Lâm, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bù Đăng cho biết, đơn vị đã có văn bản tham mưu UBND huyện về việc xin chủ trương hỗ trợ bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.
Sau khi nhận được Công văn số 562/SGTVT-HTGT ngày 29-7-2022 của Sở GTVT về việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thi công chống sạt lở đất trên tuyến ĐT755B tỉnh Bình Phước, UBND huyện đã chỉ đạo xã Đăng Hà tuyên truyền, vận động người dân đang sử dụng đất tại vị trí nêu trên hiến đất và cây trồng. Tuy nhiên, người dân chỉ đồng ý giải phóng mặt bằng và đề nghị hỗ trợ 600 triệu đồng. Qua tham mưu của các đơn vị chuyên môn, UBND huyện Bù Đăng thống nhất chủ trương huyện sẽ giải phóng mặt bằng. Cụ thể về nguồn kinh phí cũng như trình tự thủ tục thực hiện sẽ tiến hành theo quy định trong thời gian sớm nhất. Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương |
Ông Hoàng Mạnh, Phó Giám đốc Khu Quản lý bảo trì đường bộ, Sở GTVT cho biết: “Trên cơ sở khảo sát thực địa, làm việc với UBND xã Đăng Hà và gia đình bà Võ Thị Ánh Nguyệt, chúng tôi đã 3 lần tham mưu Giám đốc Sở GTVT ban hành 3 văn bản gửi UBND huyện Bù Đăng “Về việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thi công xử lý sạt lở đất trên tuyến ĐT755B tỉnh Bình Phước”. Trong đó, Văn bản số 971/SGTVT-HTGT ngày 14-11-2022 và Văn bản số 1077/ SGTVT-HTGT ngày 6-12-2022 nêu rõ: Với đặc thù nguồn vốn không thể bố trí chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Sở GTVT đề nghị UBND huyện Bù Đăng hỗ trợ giải phóng mặt bằng để khắc phục vị trí sạt lở. Văn bản cũng cho biết, để đảm bảo tiến độ thực hiện nguồn vốn cũng như sớm triển khai các giải pháp khắc phục đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Sở GTVT đề nghị UBND huyện Bù Đăng sớm chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 16-12-2022. Trong trường hợp UBND huyện Bù Đăng không thể thực hiện giải phóng mặt bằng, Sở GTVT sẽ báo cáo và tham mưu UBND tỉnh điều tiết lại nguồn vốn.
Ông Hoàng Mạnh cho biết thêm: “Mùa mưa, việc thi công rất khó khăn, nhất là đoạn cong cua, dốc trơn trượt, ảnh hưởng tới việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người và các phương tiện qua đây. Sở GTVT đã hoàn thành thủ tục sẵn sàng triển khai các phương án khắc phục. Tuy nhiên, hiện đã cuối mùa khô nhưng UBND huyện Bù Đăng vẫn chưa có ý kiến trả lời về việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, do vậy việc khắc phục sạt lở tại đây vẫn phải chờ”.