Đến ngày 31-12-2011,n dlich thi đấu bóng đá anh cả nước có khoảng 55,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tương đương 63,7% tổng số dân, trong đó mới chỉ có nhóm đối tượng hưu trí, hành chính sự nghiệp, người có công và thân nhân liệt sĩ, đạt tỷ lệ 100%. Nhóm đối tượng người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, học sinh - sinh viên (HSSV) tỷ lệ tham gia cũng khá cao. Riêng nhóm hộ cận nghèo và người tham gia BHYT tự nguyện đạt tỷ lệ rất thấp. Vì thế, Bộ Y tế đã đề ra lộ trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014 (khoảng 70% số dân tham gia BHYT). Nhưng ở Bình Phước, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh mới chỉ có 432.974 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 48% số dân.
SỐ NGƯỜI THAM GIA BHYT TĂNG NHỜ CÓ LUẬT
Nhiều năm trước, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường không mua BHYT cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp nợ BHYT triền miên nhưng sẵn sàng nộp phạt chứ quyết không mua BHYT.
Người có thẻ bảo hiểm y tế phải mất khá nhiều thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh - Ảnh: S.H |
Năm 2010, toàn tỉnh có 73.398 HSSV tham gia BHYT, tăng 7.699 người so với năm 2009 và năm 2011 có 101.119 HSSV tham gia, đạt tỷ lệ 64% tổng số HSSV toàn tỉnh. Ở nhóm đối tượng trẻ dưới 6 tuổi, năm 2010 có 90.250 trẻ được cấp thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 88% tổng số trẻ dưới 6 tuổi toàn tỉnh. Năm 2011, số trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT tăng lên 92.550 trẻ. Nhóm người nghèo có 86.609 người được cấp thẻ BHYT trong năm 2011. Từ năm 2012, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cùng các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh phân cấp nhiệm vụ mua và cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo về các huyện, thị, giảm đáng kể tình trạng cấp thẻ chậm hoặc thẻ bị sai sót thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi người nghèo.
CHƯA KHUYẾN KHÍCH ĐỐI TƯỢNG TỰ NGUYỆN VÀ CẬN NGHÈO
Năm 2010, toàn tỉnh có 12.417 hộ với 50.900 người cận nghèo và năm 2011 có 9.979 hộ với 41.857 người cận nghèo. Đây là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, có thể trở thành người nghèo chỉ sau một cơn bệnh hoặc bị tai nạn rủi ro, mất việc làm thường xuyên hoặc một nguyên nhân nào đó. Người cận nghèo có thể là người vừa thoát nghèo hoặc thu nhập chỉ cao hơn người nghèo chút ít. Theo quy định, người cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50% số tiền mua BHYT. Tuy nhiên, năm 2011, toàn tỉnh chỉ có... 83 người cận nghèo mua BHYT và đến hết tháng 4-2012 mới chỉ có 351/41.857 người mua BHYT - một con số quá nhỏ bé, chưa đến 1% tổng số người cận nghèo toàn tỉnh.
Về BHYT tự nguyện, theo điều tra của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tổng nhóm dân cư chưa tham gia BHYT toàn tỉnh là 504.857 người. Năm 2010 chỉ có 25.349 người tham gia BHYT và năm 2011 có 39.823 người tham gia, đạt tỷ lệ chưa đến 8% nhóm đối tượng này.
Khi phân tích nguyên nhân vì sao nhóm đối tượng cận nghèo ít tham gia BHYT, cả lãnh đạo Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh đều cho rằng: Mức hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ chưa đủ khuyến khích, bởi ranh giới giữa người cận nghèo và người nghèo rất mong manh. Trong khi người nghèo được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ, khi khám chữa bệnh ở tuyến huyện trở lên không phải chi trả 20% kinh phí thì người cận nghèo chỉ được hỗ trợ 50%, lại phải đồng chi trả 20% kinh phí khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở - tuyến mà nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nhiều yếu kém.
Nhưng vẫn còn một nguyên nhân quan trọng, đó là các cấp chính quyền hầu như mới chỉ quan tâm đối tượng người nghèo chứ chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng cận nghèo từ việc lập danh sách đến bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đóng BHYT. Các địa phương cũng chưa xây dựng được chính sách sử dụng Quỹ 139 một cách hợp lý như: Hỗ trợ người nghèo, cận nghèo có thẻ BHYT thanh toán các khoản chi phí khi phải sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao vượt mức chi trả của bảo hiểm xã hội, hỗ trợ viện phí cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
TỪ BỘI CHI ĐẾN KẾT DƯ VÀ CÁCH SỬ DỤNG NGUỒN QUỸ BHYT HIỆN NAY
Sau 4 năm liên tục, từ năm 2006 đến 2009, quỹ khám chữa bệnh BHYT tỉnh bị bội chi (riêng năm 2009 bội chi tới 12,6 tỷ đồng), đến năm 2010 quỹ khám chữa bệnh BHYT tỉnh đã kết dư ở mức khá cao. Đó là nhờ nguồn thu phí BHYT tăng từ 3% lên 4,5% mức lương tối thiểu và do việc mở rộng đối tượng nên số người tham gia BHYT tăng. Bên cạnh đó, việc thực hiện trở lại quy định bệnh nhân cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh đã hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí quỹ khám chữa bệnh BHYT từ phía người bệnh cũng như cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Năm 2010, quỹ kết dư 53,494 tỷ đồng và năm 2011 kết dư 39,282 tỷ đồng.
Từ năm 2011, thực hiện Thông tư số 09 của liên Bộ Y tế - Tài chính, việc khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện tuyến II (tuyến tỉnh) được áp dụng mức trần thanh toán BHYT nhằm khuyến khích người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm áp lực cho tuyến trên. Theo cách tính được quy định, mức trần khám chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong năm 2012 là 189.108 đồng/lần, điều trị ngoại trú là 2,02 triệu đồng/đợt. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, mức trần khám chữa bệnh ngoại trú là 330 ngàn đồng/lần.
Hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng hơn 36% số dân chưa tham gia BHYT, chủ yếu thuộc nhóm có mức thu nhập thấp và trung bình. Nếu mắc bệnh nặng, nhiều người thuộc nhóm này khó có khả năng chi trả viện phí. Bởi vậy, Bộ Y tế đã đề ra lộ trình gồm 3 mốc để tiến tới thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014. Trong đó, mốc thời gian rất quan trọng là ngày 1-1-2010, toàn bộ HSSV tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc. Mốc thứ hai là năm 2012, toàn bộ hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp phải tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc và mốc thứ 3 là từ ngày 1-1-2014, tất cả các nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT để bắt đầu lộ trình BHYT toàn dân. Như vậy, đến năm 2014 sẽ không còn hình thức BHYT tự nguyện nữa, thay vào đó là BHYT bắt buộc. |
BHYT TOÀN DÂN - ĐƯỜNG CÒN RẤT DÀI
Mục đích của việc thực hiện BHYT toàn dân là nhằm bảo đảm toàn bộ số dân được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từng bước đạt tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng Bình Phước hiện có khoảng 900 ngàn người, làm thế nào để huy động tất cả mọi người cùng tham gia BHYT là câu hỏi khó giải đáp. Với những con số thực tế nêu trên thì rõ ràng, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân ở Bình Phước không thể chỉ trông chờ vào riêng ngành bảo hiểm xã hội mà đòi hỏi sự cam kết của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp tốt giữa hai ngành bảo hiểm xã hội và y tế để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa. Về phía ngành bảo hiểm xã hội, cần chủ động tìm đến người dân, đến các nhóm đối tượng chứ không đợi người dân tìm đến mình. Nếu không tham mưu được những giải pháp thiết thực, triệt để, trong đó chú trọng hai nhóm đối tượng chiếm số đông là người cận nghèo và đối tượng tự nguyện thì quãng thời gian một năm rưỡi (từ nay đến năm 2014), Bình Phước sẽ không thể tiến tới BHYT toàn dân như mục tiêu mà Bộ Y tế đã đề ra.
Linh Tâm