Nhómtiktoker, youtuber “tấn công” có tổ chức một người tu hành (Ảnh chụp màn hình) |
Mức xử phạt thiếu sức răn đe
Pháp luật Việt Nam hiện hành đã quy định xử phạt người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Tuy nhiên, so với những thiệt hại mà tin giả trên không gian mạng gây ra thì dường như những chế tài hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe.
Điển hình như ngày 26/7, CA tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập và xử phạt bà N.T.N. (38 tuổi, trú tại thành phố Thái Nguyên) với số tiền 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin không đúng sự thật về một nữ công nhân lây nhiễm HIV cho nhiều người. Hay vụ việc mới đây, ngày 14/9, CA huyện Đan Phượng, Hà Nội đã xử phạt hành chính chị N.T.M.P. (trú tại xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ) 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Manh động hơn, việc thông tin xấu độc trên không gian mạng còn được tổ chức bài bản. Nổi lên hiện nay trên không gian mạng có nhóm đối tượng: tiktoker “Dũng Văn – khoa học tâm linh” (kênh tiktok), youtuber “Người dân 24h”, “Sơn Tây phố”, “Hằng Dương”, “Hải Lê TV”, “bsxuanthanh37”, “Thiên hạ sự - Hoàng Quý Sơn channel”, “Lợi Nguyên TV”, “nhạc chế Trung Nguyên”, “Nhạc chế Nhất Phương”…
Nhóm này có sự tương tác, tổ chức cung cấp, phát tán trên không gian mạng các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, kết luận, nhằm “tấn công”, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà sư Thích Tuệ Hải (trụ trì chùa Long Hương, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), khiến tình hình an ninh, chính trị trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp.
Khảo sát qua các kênh tiktok, youtube của nhóm người này, cho thấy động cơ vụ lợi rất rõ ràng: người thì mục đích câu view, thu hút người theo dõi kênh, kẻ thì công khai số tài khoản để xin tiền một cách công khai. Theo một nguồn tin riêng, hiện Công an tỉnh Đồng Nai đang tiến hành xác minh để xử lý theo quy định pháp luật.
Mặc dù những hành vi tung tin giả, tin đồn sai sự thật sẽ bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt khi bị cơ quan chức năng phát hiện nhưng có vẻ các chế tài phạt dường như chưa đủ sức răn đe dễ dẫn đến nhờn luật.
Bày tỏ bức xúc với nạn tin giả, tin đồn sai sự thật anh T.Q.K (Đan Phượng, Hà Nội) đánh giá: “Hậu quả mà tin giả, tin xấu, độc gây ra không thể cân đong đo đếm được, làm cho nhân dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Chính vì vậy, cần phải xử lý bằng chế tài hình sự để răn đe và làm gương cho người khác nếu còn đăng tin sai sự thật chứ không thể cứ lập biên bản, răn đe, giáo dục rồi lại phạt 7,5 triệu hoài nữa”.
Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, lý do tin giả, tin xấu độc có “đất” sống là bởi các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi phát tán các tin giả, tin sai sự thật và xấu, độc trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.
Do vậy, cần tăng mức xử phạt hành chính cũng như mức phạt tù đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đồng thời việc xây dựng pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cũng đang chịu nhiều tác động bên ngoài…
Tăng cường xử lý hình sự
Ngoài việc tăng cường luật hóa, xây dựng hành lang pháp lý (như hoàn thiện các quy định pháp luật là cơ sở xử lý vi phạm, hoàn thiện các quy định về chế tài), chúng ta cũng cần thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các quốc gia trong công tác đối phó với tin giả ở cấp độ toàn cầu.
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương cho biết, trong những năm gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bằng hình thức này hay hình thức khác ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành để ngăn chặn, xử lý các hành vi phát tán, lan truyền các thông tin sai lệch, thông tin gian dối, thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Trong khu vực ASEAN, năm 2018, Malaysia đã ban hành Luật Chống tin giả (Anti-Fake News); năm 2019, Singapore cũng đã ban hành Luật về sự bảo vệ (cá nhân, tổ chức) khỏi các thông tin sai lạc, xuyên tạc trong môi trường trực tuyến (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Act).
Các động thái hoàn thiện pháp luật liên quan tới chống tin giả cũng diễn ra ở Indonesia và Philippines trong thời gian gần đây. Chế tài cho sự cố ý phát tán, lan truyền thông tin sai lạc, giả mạo không chỉ là phạt tiền mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt thậm chí lên tới 10 năm tù. Đây là những kinh nghiệm quốc tế rất đáng lưu ý trong quá trình hoàn thiện pháp luật để góp phần duy trì trật tự pháp lý lành mạnh, bảo đảm thượng tôn pháp luật trên không gian mạng mà Việt Nam rất nên tham khảo.
Theo các chuyên gia pháp lý, để đối phó với tin giả, một trong những phương thức quan trọng để “chữa bệnh” tin giả là tăng cường sức “đề kháng” của công chúng. Các chương trình giáo dục (hội thảo, hội nghị, tập huấn…), các chiến dịch tuyên truyền, truyền thông đối với công chúng phải được thực hiện thường xuyên.
Công chúng, đặc biệt là người trẻ, đối tượng chủ yếu của mạng xã hội, cần cẩn trọng với tin tức, luôn kiểm chứng nguồn tin, biết cách phân tích, đánh giá thông tin và phải ý thức rõ hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định.
Về phía các nền tảng truyền thông xã hội cũng như các công ty công nghệ cần tăng cường kiểm duyệt nội dung để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả, chung tay xây dựng văn hóa truyền thông minh bạch, trung thực, an toàn và đúng pháp luật. Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các thuật toán để phát hiện, loại bỏ nội dung giả mạo, sai lệch. Để tin giả hoành hành trong không gian thông tin của mình chính là từ bỏ trách nhiệm xã hội, và từ bỏ tương lai phát triển bền vững.
Để ngăn ngừa tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng, cơ quan công an cũng liên tục khuyến cáo người dân tích cực phát hiện, tố giác, phòng ngừa trước âm mưu của kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần định hướng dư luận, “làm sạch” nguồn thông tin trên môi trường mạng.
Đặc biệt, khuyến cáo khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, cần phải thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, phải kiểm chứng, sàng lọc thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ, tránh trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, tự suy diễn, không có cơ sở để không phải vướng vào các vi phạm pháp luật không đáng có.
(Còn nữa)
Đánh giá về thực trạng tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đã đến lúc phải xử lý thông tin xấu, độc theo phương châm từ sớm, từ xa, làm trên thế mạnh, thế chủ động. Chẳng hạn, cần phải đề cập thẳng vào những thông tin công chúng có nhu cầu tìm hiểu, đừng ngại thông tin “nhạy cảm”. Khi công chúng đọc những thông tin trái chiều trên mạng thì báo chí cũng phải kịp thời đăng những thông tin chính thống để họ có kênh kiểm chứng. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là chúng ta phải làm báo chí mạnh lên, khuyến khích báo chí đi thẳng những vấn đề nóng, tiếp cận được bạn đọc để qua đó định hướng dư luận. |
Kỳ 3: Quyết liệt chống tin xấu, độc trên không gian mạng Trong bối cảnh vấn nạn tin giả, tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội tiềm ẩn những nguy cơ diễn biến phức tạp, ... |