Đồ nghề bắt voi
Bộ dụng cụ bắt voi của huyền thoại Ama Kông sẽ chính thức được trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào chiều ngày 14/3.
Bộ hiện vật do gia đình ông Khăm Phết Lào ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk tặng.
Bộ sưu tập bao gồm các dụng cụ để bắt và thuần dưỡng voi; các dụng cụ để thực hành các nghi lễ trước, trong và sau khi bắt được voi; các dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt của nhóm người trong thời gian đi bắt voi.
Bộ đồ nghề này có tuổi đời trên 100 năm, do dòng họ nhà Khun Ju Nốp nổi tiếng với nghề săn voi ở Buôn Đôn để lại.
Bồ đồ nghề gồm 20 hiện vật gồm roi củ mây do nài voi cầm để điều khiển voi nhà; tấm đệm lưng voi để đặt bành voi làm bằng vỏ cây lộc vừng đập dập; dây ràng quanh toàn thân voi, chắp nối bằng nhiều loại vật liệu khác nhau (xem ảnh); dây da trâu dùng để bắt voi rừng…
Ngoài bộ đồ nghề săn voi được trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, gia đình ông Khăm Phết Lào còn đang lưu giữ 2 bộ đồ nghề săn voi khác do tổ tiên để lại, dự kiến sẽ bán đấu giá để làm từ thiện.
Ama Kông nghĩa là "bố thằng Kông", tên gọi thông thường sau khi ông sinh con trai đầu lòng đặt tên là Y Kông - theo phong tục của người M’nông gốc Lào. Ama Kông nổi tiếng khắp Tây Nguyên vì đã săn bắt được 298 con voi rừng. Ông cũng được biết đến là một tay chơi “khét tiếng” và “tân thời” nhất Bản Đôn thời bấy giờ. Ngoài ra, trong lúc vào rừng, Ama Kông đã tìm ra một loại thuốc quý có khả năng “tráng dương bổ thận” mà sau này được đặt theo tên ông.
Theo Nông nghiệp