VHO - Với mỗi một cuốn sách giáo khoa,ànhtrìnhđầytháchthứccủanhữngngườibiênsoạlịch đấu cúp fa người biên soạn sách giáo khoa đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tảng tri thức vững chắc cho thế hệ tương lai. Trong tháng 11 vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức các chương trình tri ân khẳng định sự trân trọng và ghi nhận cống hiến thầm lặng của những tác giả, các thầy cô tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Công việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự đầu tư lớn về kiến thức, công sức và thời gian. Từ việc tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý đến đáp ứng những tiêu chí của chương trình học, các tác giả biên soạn đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.
ThS Vũ Mai Lan, Chủ biên SGK Âm nhạc lớp 6,7,8 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chia sẻ: “Quá trình xây dựng nội dung phải điều chỉnh liên tục để phù hợp với đặc điểm tâm lý và nhận thức của học sinh từng độ tuổi. Cấu trúc chương trình và thiết kế sách phải đảm bảo tính khoa học, dễ tiếp cận và hấp dẫn, nhằm hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả, đồng thời, còn khơi dậy niềm đam mê và yêu thích đối với môn học”. Không chỉ dừng lại ở việc tạo hứng thú cho học sinh, đội ngũ tác giả còn đối mặt với áp lực lớn, luôn phải cẩn trọng để bảo đảm tính chính xác trong nội dung sách. PGS.TS Vũ Việt Khôi, Chủ biên SGK Địa lý lớp 10 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhấn mạnh, chỉ cần một sai sót nhỏ trong nội dung sách cũng có thể dẫn đến phản ứng từ công chúng, gây áp lực lớn cho nhóm tác giả. Do đó, các tác giả phải thật sự tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng câu từ, hình ảnh, bản đồ... để bảo đảm tính chính xác và phù hợp. Chỉ khi đó, SGK mới có thể duy trì được “sức sống” lâu dài, trở thành nguồn tri thức đáng tin cậy và hữu ích cho nhiều thế hệ học sinh.
Công việc vượt qua các vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định cũng không kém phần thử thách. Để hoàn thành công việc, đội ngũ tác giả biên soạn SGK thường xuyên làm việc ngoài giờ, nhiều đêm thức trắng để hoàn thiện bản thảo. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo không ngừng, đội ngũ biên soạn luôn nỗ lực cải tiến từ nội dung đến phương thức truyền tải, nhằm tránh sự nhàm chán và khơi dậy sự hứng thú học tập cho học sinh. Họ cố gắng chắt lọc nội dung cẩn thận, vừa phù hợp với thực tiễn trong nước, vừa cập nhật xu hướng quốc tế. “Bộ sách Âm nhạc Kết nối tri thức với cuộc sống được tích hợp cả các file âm thanh phối khí hiện đại, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng sử dụng trong các giờ học và buổi biểu diễn văn nghệ tại trường. Đây là sự đổi mới lớn so với SGK ở các chương trình trước đây. Điều này giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tạo thêm động lực học tập cho học sinh”, ThS Vũ Mai Lan cho biết.
PGS.TS Vũ Việt Khôi nhấn mạnh, bộ SGK mang tính hiện đại, cập nhật thông tin của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng xu hướng phát triển trong nhiều thập kỷ tới, bộ sách mang lại giá trị bền vững và ý nghĩa lịch sử cho hệ thống giáo dục quốc gia. Đội ngũ tác giả đã tham khảo các bộ sách từ các nước tiên tiến và tuân thủ khung đại cương của Hội đồng thẩm định, đảm bảo sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn mà còn có tầm nhìn chiến lược rõ ràng.
Tại chương trình kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 và Hội nghị tác giả SGK nhằm tri ân và vinh danh những nhà giáo dục có đóng góp lớn cho ngành Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các tác giả, nhà khoa học và nhà giáo, những người đã cống hiến không ngừng để biên soạn các bộ SGK chất lượng, đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho hàng triệu học sinh.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Tổng Chủ biên cấp Tiểu học phần Lịch sử bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cảm thấy tự hào về chặng đường làm việc cùng đội ngũ biên tập viên, họa sĩ, cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam. Ông gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ giáo viên, những đồng nghiệp và đặc biệt là các biên tập viên trẻ, những người đã đồng hành, dành trọn tâm huyết vào từng cuốn sách, từng trang sách. “Nhìn lại hành trình 5 năm, tôi tự hào khi thấy những giá trị mà NXB dày công xây dựng đã và đang lan tỏa, góp phần tích cực vào nền giáo dục nước nhà. Tôi hy vọng rằng, với tinh thần này, những người làm giáo dục hôm nay sẽ luôn sẵn sàng cho những bước tiến mới, tiếp tục truyền cảm hứng và nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ.
Là một trong những chủ biên được vinh danh tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Việt Khôi bày tỏ niềm xúc động khi được nhận giấy khen từ NXB Giáo dục Việt Nam. Đây là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của nhóm tác giả. “Ngày 20.11 là dịp đặc biệt để những người làm giáo dục có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và cập nhật kiến thức mới, từ đó, tiếp tục nâng cao chất lượng bộ SGK. Trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, buổi gặp mặt và tri ân như này mang ý nghĩa đặc biệt”, PGS.TS Vũ Việt Khôi chia sẻ. Việc vinh danh không chỉ khẳng định giá trị công sức của các nhà biên soạn, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để họ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ khi người làm giáo dục cảm nhận được sự trân trọng và ghi nhận từ xã hội, họ mới có thêm sức mạnh để vượt qua những áp lực lớn trong công việc.
Một bộ SGK chất lượng không phải là thành quả của một cá nhân mà là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể, bao gồm các nhà nghiên cứu và giáo viên tham gia thử nghiệm nội dung. Hơn nữa, sự ghi nhận này cũng là minh chứng cho một xã hội biết tôn vinh tri thức và lao động trí tuệ, truyền tải thông điệp sâu sắc đến thế hệ trẻ rằng: Mọi nỗ lực và cống hiến đều xứng đáng được ghi nhận!