Thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh - đoàn TP. Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra cả nước đã ảnh hưởng lớn đến các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ đề ra. “Nhưng kết quả thực hiện kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục có sự phát triển ổn định, ngân sách Nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt 4 tỷ USD”- đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu cũng chỉ ra, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả ấn tượng với tăng trưởng 25,2%. Những kết quả nêu trên rất đáng trân trọng trong bối ảnh có nhiều khó khăn như hiện hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có các kịch bản đổi phó để thích ứng với tình hình chính trị và khu vực. Đại biểu cho rằng, xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỉ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất. Theo đó, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề này. "Năm 2021, khu vực này đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh việc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng đang tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế”- đại biểu nêu cụ thể. Vị đại biểu này cũng nhận định, hiện nay, nhiều nước lớn có xu hướng bảo hộ thương mại cũng như có sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ, chúng ta vui mừng về xuất khẩu rất nhiều linh kiện điện tử, điện thoại, quần áo. Tuy nhiên đại biểu nhận định, thị phần xuất khẩu và tỷ trọng của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI. Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. “Những doanh nghiệp đầu mối chưa đủ mạnh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước chưa có sự phát triển toàn diện, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy”- đại biểu Nguyễn Duy Minh nói. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao. “Bên cạnh đó, các trường cao đẳng, đại học, địa phương cần có các chương trình đào tao lao động với ngành nghề như kinh tế số, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo… đào tạo phù hợp với doanh nghiệp FDI”- đại biểu lưu ý. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các doanh nghiệp FDI sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cũng như đảm bảo cam kết đầu tư. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - đoàn Tây Ninh cho hay, chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, có hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như còn chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội đi vào thực tế sản xuất và đời sống còn bộc lộ khiếm khuyết; tính kịp thời, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong giải quyết vấn đề, thực hiện thủ tục vẫn còn bất cập. Đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm và năng lực của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật công nghệ, phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế dựa trên thành tựu mới của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước; tiếp tục có biện pháp pháp luật, tổ chức, hành chính, kinh tế đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước. Ngoài ra, tại phiên họp, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp để khắc phục. Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch… |