Thảo Vân (25 tuổi, TP.HCM) và chồng quyết định kết hôn sau 4 năm gắn bó. Đôi trẻ tổ chức 4 hôn lễ, kéo dài 3 tuần và tiêu tốn hơn 500 triệu đồng.
Sở dĩ Thảo Vân phải làm nhiều tiệc cưới như vậy vì muốn làm vừa lòng cha mẹ đôi bên, đồng thời có thể tự quyết định hôn lễ theo phong cách mình mong muốn.
"Tôi làm một tiệc private wedding (tiệc cưới thân mật với bạn bè), một đám cưới bên nhà trai, một tiệc tại nhà gái và thêm một tiệc báo hỷ ở quê ngoại của chồng. Khá mệt vì thời gian gấp rút, nhưng chúng tôi chấp nhận bởi muốn trọn vẹn theo ý muốn gia đình và cá nhân", Vân nói chia sẻ cùng Zing.
Không còn thích tiệc cưới mâm cao, cỗ đầy
Đối với vợ chồng Thảo Vân, một đám cưới trong mơ sẽ được tổ chức ngoài trời theo phong cách phương Tây. Buổi tiệc này chỉ bao gồm 20-30 người thân và bạn bè đặc biệt, tất cả mặc trang phục theo dress code, đồng thời đều biết về nhau.
"Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn một tháng để chuẩn bị cho đám cưới như ý muốn. Hai đứa đi làm vào buổi sáng, đến tối về nhà lại tất bật họp bàn, lên ý tưởng cùng đơn vị tổ chức tiệc (wedding planner)", cô kể thêm.
Quá trình tìm kiếm địa điểm tổ chức ngoài trời cũng khiến cô dâu trẻ đau đầu. Theo Thảo Vân, cô và chồng chi trả toàn bộ chi phí cho đám cưới. Ngân sách hạn chế, cả hai phải tính toán kỹ lưỡng nhằm tiết kiệm tối đa.
"Hiện nay, đám cưới theo phong cách phương Tây khá phổ biến, vì vậy tôi dễ dàng tìm được các khu tổ chức tiệc ngoại cảnh lý tưởng. Tuy nhiên, mức giá thuê địa điểm rất đắt đỏ, chưa tính các dịch vụ bài trí khác. Sau cùng, tôi và chồng quyết định thuê một căn biệt thự có sân vườn để tổ chức tiệc", Thảo Vân nhớ lại.
May mắn, buổi tiệc cưới thân mật diễn ra theo đúng dự định của Thảo Vân. Cô thay đổi một số nghi lễ của nước ngoài để phù hợp hơn với gia đình, khách mời của mình. Cô được cha cầm tay đưa lên lễ đường, trao cho chú rể. Cặp uyên ương cùng nhau đọc lời thề và hẹn ước. Cuối cùng, họ nhập tiệc và chơi đùa cùng khách mời.
Tương tự Thảo Vân, Mai Anh (27 tuổi, TP.HCM) cũng ao ước có được một hôn lễ ấm cúng, riêng tư theo đúng ý mình. Tháng 3/2022, cô quyết định tổ chức đám cưới ngoài trời tại Đà Lạt.
Vợ chồng cô lên danh sách khách mời với 55 người thân và bạn bè gắn bó nhiều năm. "Nằm vùng" trong các hội nhóm về đám cưới, Mai Anh tự đúc kết kinh nghiệm, tìm cảm hứng từ các cô dâu trước. Nhờ vậy, các khâu chuẩn bị được vợ chồng cô thực hiện nhanh chóng, trong vỏn vẹn 1,5 tháng.
"Thông thường, tiệc kết hôn ngoài trời sẽ không ê hề mâm cỗ, đông đúc, ồn ào như kiểu truyền thống thường thấy. Buổi tiệc này giúp thắt chặt kết nối giữa cô dâu, chú rể với khách mời, từ đó khiến buổi lễ thêm phần cảm động, sâu sắc", cô nói.
Cô dâu 27 tuổi thừa nhận tiệc cưới ngoài trời có khá nhiều vấn đề gây đau đầu, điển hình là thời tiết và địa hình. Nhằm đảm bảo mọi thứ vận hành suôn sẻ, đôi trẻ quyết định thuê dịch vụ wedding planner.
"Chuyên gia hôn lễ có nhiều kinh nghiệm với đa dạng kiểu đám cưới. Họ luôn đưa ra lời khuyên xác đáng, hỗ trợ kịp lúc cho chúng tôi. Ví dụ, họ đề xuất làm lễ sớm hơn thay vì khung giờ tôi dự tính nhằm đảm bảo bắt trọn hoàng hôn tại Đà Lạt. Thú thật, dù kỹ tính đến mấy, tôi cũng khó chu toàn được mọi chi tiết nếu thiếu sự hỗ trợ từ wedding planner", Mai Anh chia sẻ.
Kim Phụng (25 tuổi, TP.HCM) cũng vừa kết hôn vào giữa năm. Với mong muốn có một lễ cưới đặc biệt trong đời, cô cùng chồng tổ chức một buổi tiệc riêng với bạn bè thân thiết.
"Tôi không mong cầu một đám cưới thật lộng lẫy, trịnh trọng. Tôi chỉ ước tất cả khách mời có thể sống trọn từng khoảnh khắc với hai vợ chồng", cô kể.
Chia sẻ với Zing, Kim Phụng cho biết mình và chồng tổ chức 2 tiệc cưới, một tiệc chung giữa nhà trai và nhà gái, chủ yếu mời họ hàng, quan khách của cha mẹ. Bữa tiệc còn lại chỉ có 2 vợ chồng cô cùng bạn bè.
Tại buổi tiệc này, cả hai không thực hiện những nghi thức truyền thống như uống rượu giao bôi, cắt bánh kem hay mời ông bà sui gia phát biểu. Thay vào đó, họ viết lời thề, làm nghi thức đổ cát, để bạn bè lên sấn khấu chia sẻ và chơi game, nhảy đôi cùng nhau.
"Tôi tỉ mỉ tự tay chuẩn bị từng món quà trong bữa tiệc. Đây là toàn bộ tình cảm và sự trân trọng của vợ chồng tôi gửi đến khách mời của mình", cô bồi hồi kể lại.
Thỏa hiệp với gia đình
Chia sẻ vớiZing, Mai Anh cho biết cha mẹ hai bên khá dễ tính, luôn ủng hộ để các con có được ngày vui trọn vẹn theo ý muốn. Hơn nữa, chi phí tổ chức đều do vợ chồng cô chi trả nên có thể thoải mái hơn trước những quyết định quan trọng.
Theo Mai Anh, cô dâu, chú rể trẻ tuổi dễ đánh mất niềm vui, sự xúc động cần có trong ngày trọng đại nếu bị ràng buộc bởi quan niệm mâm cao cỗ đầy. Nếu muốn làm lễ cưới kiểu phương Tây, các đôi trẻ nên xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng và thổ lộ nguyện vọng với gia đình từ sớm để có đám cưới như ý.
Đồng thời, vấn đề ngân sách cũng cần được cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng. Trong trường hợp của Mai Anh, cô phải chi hơn 50 triệu đồng cho khoản hoa trang trí, trong khi dự đoán ban đầu là một con số thấp hơn.
Riêng Thảo Vân, để được làm một buổi tiệc đám cưới theo ý muốn, cô và chồng đã phải dành thời gian thuyết phục cha mẹ.
"Phụ huynh đã quen thuộc với những lễ nghi, phong tục truyền thống, giờ chúng ta cứ khăng khăng đòi làm theo ý mình sẽ là không tôn trọng cha mẹ. Do đó, chúng tôi chọn cách thỏa hiệp, cùng bàn bạc để đưa ra phương án hài hòa nhất", cô nói.
Theo đó, Thảo Vân và chồng đồng ý tách riêng đám cưới hai nhà. Đám nhà gái sẽ do cha mẹ cô chủ trì từ việc đặt nhà hàng, mời khách. Tiệc nhà trai và tiệc báo hỷ tương tự như vậy, do cha mẹ chồng của cô chỉ đạo.
Đổi lại, Thảo Vân và chồng xin phép gia đình để được làm đám cưới riêng tư theo ý nguyện cá nhân. Toàn bộ chi phí, hai vợ chồng cô sẽ tự đảm nhận.
"Đến nay, vì đám cưới này, tôi và chồng vẫn còn đang phải trả nợ dần. Nhưng đổi lại, chỉ có một lần để cưới trong đời, tôi hoàn toàn toại nguyện", cô nói vớiZing.
Thảo Vân cũng cho rằng các đám cưới riêng tư, ít người này rất khó để cô dâu, chú rể bù đắp chi phí tổ chức. Do đó, các đôi cũng hãy chuẩn bị tâm lý thật kỹ để tránh việc thất vọng hay hụt hẫng.
Wedding planner đau đầu
Hoàng Sơn (32 tuổi, TP.HCM), chuyên viên tổ chức tiệc cưới, cho rằng xu hướng làm đám cưới nhỏ gọn, thân mật đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, phong cách này trở nên phổ biến hơn nhờ sự ưa chuộng của nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng.
Theo Sơn, khi hôn lễ chỉ gói gọn trong nhóm gia đình và bạn bè thân thiết, cô dâu, chú rể sẽ thoải mái bày tỏ cảm xúc hơn. Bên cạnh đó, chủ tiệc cũng tránh được trường hợp mời mà khách không tới, hoặc khách tham dự bị lạc lõng, cô đơn.
Tuy nhiên, tiệc cưới theo phong cách phương Tây như vậy lại chưa được phụ huynh của các cặp uyên ương thấu hiểu. Đa phần người lớn tuổi đều mong muốn tổ chức ngày vu quy cho con theo phong tục truyền thống, mời nhiều quan khách nhằm bày tỏ sự trịnh trọng, linh đình.
Trong 6 năm làm nghề, anh thường xuyên gặp những đôi vợ chồng phải thỏa hiệp với cha mẹ bằng cách làm tiệc quy mô lớn trước, sau đó mới đến tiệc thân mật. Nhờ vậy, họ vừa làm đẹp lòng phụ huynh, vừa thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong ngày trọng đại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để làm thế.
"Tôi từng biết nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng vay nợ để có đám cưới đẹp mắt, đúng ý nhất có thể", anh tâm sự.
Theo anh, đây có thể là quyết định sai lầm, dễ gây thêm căng thẳng cho bản thân cô dâu, chú rể. Wedding planner thường khuyên bạn trẻ nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia, cũng như linh hoạt ý tưởng tùy theo ngân sách để thực sự tận hưởng niềm vui trong ngày trọng đại.
"Nếu muốn thuyết phục gia đình, các bạn nên trao đổi thẳng thắn về nguyện vọng, đồng thời cân nhắc về khả năng chi trả để đi đến quyết định phù hợp nhất. Làm tiệc nhỏ gọn không đồng nghĩa với tiết kiệm hơn. Các bạn cần nhớ rằng cảm xúc và sự thoải mái của cô dâu, chú rể mới là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải hình thức, concept hay các nghi lễ, xu hướng rườm rà khác" Hoàng Sơn nói thêm.
Theo Zing