Để không thiếu hàng sốt giá,Địaphươngvàocuộcbìnhổngiáhàngtếbóng đá hôm nay hàn quốc từ nhiều tuần trước đó, cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường đã cùng các địa phương lên phương án điều hành, chuẩn bị nguồn cung đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân.
Chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, nguồn cung hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khá dồi dào, đa dạng với mức giá hợp lý. Các doanh nghiệp đã có sự chủ động dự trữ hàng hóa và kết nối tiêu thụ hàng nông sản giữa các vùng miền trong cả nước. Cơ quan này dự báo, sức mua của người dân sẽ không có nhiều biến động so với các năm trước. Trước đó, từ tháng 11 và tháng 12/2017, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị bình ổn thị trường tết và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác điều hành giá tại nhiều địa phương trên 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tại Điện Biên, theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh này, công tác chuẩn bị nguồn hàng hoá, đảm bảo ổn định giá cả thị trường đã được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện từ sớm sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều hàng hóa thiết yếu được chuẩn bị, như: Mặt hàng xăng, dầu các loại dự ước khoảng 4.100 m3, với tổng trị giá ước khoảng 69 tỷ đồng; các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, bánh mứt kẹo... được các doanh nghiệp phân phối, các đại lý lớn chuẩn bị, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 10 triệu dân Thủ đô, theo Sở Công thương Hà Nội, thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ phục vụ tết ước tính trên 521.900 tấn, trị giá khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa tết năm 2017). Trong đó, tập trung vào các mặt hàng: Gạo, thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rượu bia… Các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất; mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá...
TP. Hồ Chí Minh cũng đã công bố lượng hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đạt hơn 17.812 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, Sở Công thương đã phối hợp các ngành, doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng hơn 743 tỷ đồng so với năm 2017, trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường đạt hơn 7.044 tỷ đồng.
Lượng hàng hóa các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị để cung ứng ra thị trường tăng 12% - 15% so kế hoạch thành phố giao và tăng 20% - 30% so với Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo...
Cùng với việc chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, các địa phương còn theo sát diễn biến giá cả cung cầu hàng hóa trên địa bàn, kịp thời dự báo những mặt hàng sẽ có sức mua tăng cao và đột biến, có giải pháp hiệu quả để đảm bảo điều tiết cung cầu, tránh tình trạng sốt hàng tăng giá. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng lên phương án để đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ, hoặc găm hàng chờ tăng giá.
Các bộ, ngành phải chủ động điều hành giá
Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 27/12/2017. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 được Chính phủ đặc biệt chú trọng. Phó Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình điều hành giá các mặt hàng phụ trách tại các địa phương, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phối hợp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ công tác chuẩn bị nguồn hàng; bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt. Trong đó, đặc biệt kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, ngay từ cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết. Đồng thời, các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bình ổn giá, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện bình ổn thị trường.
Công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán được thực hiện nhiều năm nay. Về cơ bản, tại các thành phố lớn cũng như các vùng sâu, vùng xa, nguồn hàng được đưa ra thị trường khá lớn trên cơ sở nguồn cung được dự báo từ trước, nên thị trường tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. |
Minh Anh