| Hải quan cửa khẩu Lào Cai thông quan hơn 30.000 tấn dưa hấu thanh long xuất khẩu | | Gần 60 triệu USD hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo tháng đầu năm | | Xuất khẩu hơn 3.000 tấn trái cây qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) dịp Tết |
| Trong quý 1, khi thị trường xuất khẩu lao động có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ảnh minh hoạ: Internet |
Đã đưa gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu lao động đang từng bước phục hồi. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý 1, Việt Nam đã đưa gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng tháng 3/2022 là 1.096 người, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hungary, Trung Quốc... Để chuẩn bị cho việc phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới, thời gian qua, Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch bệnh Covid-19, nhằm phục hồi nền kinh tế. Nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài. Cụ thể, các nước châu Âu vẫn tiếp nhận lao động từ năm 2021; Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động làm việc trên tàu biển và tàu đánh cá xa bờ và ven bờ, riêng chương trình EPS mới tiếp nhận trở lại từ tháng 5... Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp. Đồng thời, làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ như: tiêm chủng, hộ chiếu vắc xin, bảo hiểm sức khỏe (bao gồm cả dịch bệnh Covid-19). Cơ hội để khai thác thị trường mới Đầu năm 2022 thị trường lao động nước ngoài dần mở cửa trở lại là tin vui đối với người lao động có mong muốn đi làm việc ở vùng đất mới, nhất là những người lao động đã làm thủ tục và đang chờ ngày xuất cảnh. Đáng chú ý, cùng với các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức, Nga, Australia, Israel và một số thị trường châu Âu khác. Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hậu Covid-19 kinh tế trên thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng và đây chính là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường này. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tuyển chọn 160 ứng viên tham gia Dự án theo thỏa thuận hợp tác Ba bên cùng có lợi - tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại Cộng hòa Liên Bang Đức năm 2022 - 2023. Theo đó, học viên sẽ được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng đa khoa tại Đức. Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề năm thứ nhất 1.100 EUR/tháng (tương đương 27,5 triệu VNĐ), năm thứ hai là 1.200 EUR/tháng (31 triệu VNĐ) và năm thứ ba là 1.300 EUR/tháng (34 triệu VNĐ). Sau khi tốt nghiệp và được cấp Chứng chỉ quốc gia của Đức, học viên được làm việc, hưởng mức lương như công dân Đức và các chế độ phúc lợi xã hội theo quy định của Luật pháp Đức. Không chỉ thị trường Đức, mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại (Australia) cũng đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia. Đây là thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài với mức lương tốt, hệ thống pháp luật rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhưng yêu cầu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ khắt khe. Việc đưa lao động đi làm việc tại Australia với các hình thức, ngành nghề khác nhau (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp) là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động. Bản ghi nhớ nói trên là văn bản đầu tiên mà Australia ký với các nước đưa lao động đi làm việc tại nước này theo chương trình thị thực nông nghiệp. “Để có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, cần phải đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Theo quy định, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động ra nước ngoài làm việc là yêu cầu bắt buộc. Việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt. Hình ảnh người lao động Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh. Chính phủ Australia công bố chương trình thị thực cho lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó ưu tiên Việt Nam tham gia sớm chương trình. Dự kiến, Australia sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động/năm của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác. |
|