Giờ,ệtdậtylebd mở tivi vào những giờ vàng đều thấy phim Việt. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Một cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. Hai phim đang “dậy sóng” dư luận là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, một phim về thế giới xã hội đen với tình tiết gay cấn, nhiều cao trào đến nghẹt thở, còn một phim là những mâu thuẫn ngàn đời giữa mẹ chồng với nàng dâu. Sau mỗi tập phim là trên các phương tiện thông tin đại chúng lại có bài phân tích, đánh giá và giới thiệu sự xung đột mới trong tập tiếp theo. Kèm theo đó là khán giả không chỉ theo dõi vào giờ phát chính, mà có hàng triệu lượt xem lại trên Youtube và hàng ngàn bình luận, trong đó có không ít là trái chiều sau từng tập phát sóng. Một câu chuyện gần gũi, nhẹ nhàng nhưng lại là những mâu thuẫn không dễ giải quyết đã được thể hiện với góc nhìn lạ, đẩy sự việc lên có vẻ vượt khỏi thực tế, nhưng lại gây thích thú cho người xem, càng xem càng thấy thu hút. Điều đó đồng nghĩa việc các nhà làm phim đã đánh trúng tâm lý của khán giả nhiều lứa tuổi trong một bộ phim. Góp phần vào sự thành công của những phim đó, còn là việc chọn diễn viên vào những vai đắt. Không phải là diễn viên đẹp, nhiều kinh nghiệm là có thể diễn hay, mà cái chính là đạo diễn biết chọn và đặt những diễn viên đó vào vai thật đắt. Như NSND Lan Hương, khó ai ngờ rằng lại độc đáo đến lạ lùng khi vào vai mẹ chồng tai quái và bà diễn đạt đến mức khán giả không nhận ra diễn viên trong phim với con người bà ngoài đời. Ngay cả con trai bà cũng e ngại khó lấy vợ vì vai diễn của mẹ mình. Nếu như trước đây, bà để lại trong lòng khán giả những vai chiều sâu, đầy khắc khoải, thì giờ đây, với vai mẹ chồng trong phim “Sống chung với mẹ chồng”, bà lại có được một vai diễn để đời, một vai ngoài sức tưởng tượng của khán giả từng quen thuộc với bà trong hàng loạt phim trước kia, có thể kể đến cô Thủy trong “Mùa ổi”, bà mẹ chồng trong “Vệt nắng cuối trời”… Phim Việt Nam giờ có rất nhiều và khán giả đã có nhiều sự lựa chọn, không phải vất vả tìm như những năm trước, hay khát khao xem phim Việt vì thiếu phim như cách đây hơn 10 năm. Giờ, mở tivi vào những giờ vàng sẽ thấy phim Việt. Sự chiếm sóng này là một tín hiệu đáng mừng và chứng tỏ các nhà làm phim đã có nghiên cứu kỹ để thể hiện những đề tài vừa độc, lạ, nhưng cũng gần gũi, bằng những câu chuyện đời thường, tình tiết đơn giản nhưng thấm thía, đi vào cảm xúc, tác động đến tâm tư, tình cảm hay những mối quan hệ trong gia đình, cuộc sống. Người xem thích, bởi từ những câu chuyện ấy, họ rút ra cho mình những bài học hay, vận dụng được trong cuộc sống từ những mâu thuẫn, bức xúc được giải quyết một cách nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý. Hay đơn giản, chỉ là sự thư giãn, giải trí sau những giờ mệt nhoài ngoài cuộc sống. Sự ồ ạt của phim Việt không phải lúc nào cũng được đón nhận, bởi trình độ hưởng thụ của khán giả càng cao, đòi hỏi của họ về một bộ phim hay cũng sẽ rất cao. Vì thế, những nhà làm phim phải tính toán rất kỹ trước khi thực hiện một bộ phim. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều bộ phim Việt hay, được khán giả chờ đón. Một bộ phim tạo dư luận từ lúc rục rịch làm đến lúc phát sóng và liên tục có những thông tin trong từng tập chiếu là điều thành công. Có những bộ phim thuần Việt, có những bộ phim chuyển thể từ phim nước ngoài: “Bỗng dưng muốn khóc”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Những ngọn nến trong đêm” phần 2, “Khúc hát mặt trời”, “Zippo, Mù tạt và Em”, “Tuổi thanh xuân”… Đó là phim truyền hình, chưa kể đến sự trỗi dậy của dòng phim điện ảnh, xuất hiện rải đều vào từng thời điểm trong năm, thay vì chỉ vào dịp tết như trước đây. Có được những phim “dậy sóng” dư luận chính là sự thành công và càng nhiều bộ phim như vậy càng thấy được sự khẳng định của phim Việt trước sức ép của dòng phim nước ngoài. Một kịch bản hay, gần gũi, trúng tâm lý khán giả, một dàn diễn viên được đặt để đúng chỗ để thể hiện tròn vai, sắc vóc và lối diễn xuất đang từng bước có sự cân bằng là những tín hiệu đáng mừng của phim Việt trong thời gian gần đây. Hiệu ứng từ người xem là minh chứng rõ nhất cho những điều này và là tín hiệu mừng cho phim Việt. THẢO HƯƠNG |