Kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế
Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, TTCK Việt Nam vẫn là TTCK có tăng trưởng và phát triển thuộc hàng đầu thế giới theo đánh giá của các tổ chức và dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, giảm tải áp lực cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng. |
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian qua, một bước tiến đáng ghi nhớ của TTCK Việt Nam trong năm 2018 đó là việc tổ chức FTSE Russell công bố đưa Việt Nam vào danh mục theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp (hay thị trường mới nổi loại 2 - Secondary Emerging). Sự kiện này mở ra kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng chính thức bởi cả FTSE và MSCI - hai tổ chức cung cấp bộ chỉ số đánh giá lớn nhất thế giới.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, việc FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đó khuyến khích các cơ quan này tiếp tục đưa ra những chính sách phát triển thị trường hướng tới việc nâng hạng trong tương lai. Thông tin Việt Nam vào danh mục theo dõi thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây được cho là cơ hội đón dòng vốn lớn từ nước ngoài vào Việt Nam và giúp thị trường phát triển.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, cơ quan quản lý đang tiếp tục nỗ lực nhằm nâng cao xếp hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
“Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, TTCK Việt Nam vẫn là TTCK có tăng trưởng và phát triển thuộc hàng đầu thế giới theo đánh giá của các tổ chức và dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, giảm tải áp lực cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng.
Điểm đến mới cho nhà đầu tư nước ngoài
Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, coi đầu tư nước ngoài là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Do đó, hơn lúc nào hết, TTCK cần phải phát triển hơn nữa để trở thành kênh huy động vốn vốn quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã quan tâm, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2014, Bộ Tài chính có chủ trương mới, đó là đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ đạo và trực tiếp thực hiện xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Bộ trưởng đã chọn các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản và mới đây là Hàn Quốc là nơi tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư. Việc xúc tiến đầu tư thực chất là giới thiệu, giải thích và cam kết chính sách.
Theo nhận định của ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, các cuộc xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của Bộ Tài chính đã đem lại những hiệu quả nhất định và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tốt. Kể từ sau các cuộc xúc tiến đầu tư, số lượng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Hiện nay, không chỉ có nhà đầu tư tại thị trường khu vực ASEAN mà còn có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, EU, Mỹ quan tâm đầu tư vào TTCK Việt Nam.
“Có thể nói, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam không chỉ giúp cải thiện về chất và lượng mà còn giúp thị trường tài chính Việt Nam có hình ảnh rất tốt trong khu vực và trên thị trường thế giới”, ông Trần Hải Hà cho biết.
Dưới một góc độ khác, ông Moon Young Tae, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam cũng chia sẻ về những ấn tượng đối với buổi Hội thảo Xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) tháng 4/2018. Tại buổi Hội thảo, lãnh đạo Bộ Tài chính đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư Hàn Quốc và chia sẻ những điểm thu hút của thị trường Việt Nam.
"Tôi rất ấn tượng với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Có lẽ nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc như chúng tôi cũng đã bị thu hút, ấn tượng hơn với thị trường Việt Nam ngay sau hội nghị tiếp xúc tại đất nước chúng tôi", ông Moon Young Tae chia sẻ.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đó là do kinh tế Việt Nam phát triển rất ổn. Từ những con số tăng trưởng của 10 năm qua, đến giờ phút này không có một tổ chức quốc tế hay viện nghiên cứu nào nghi ngờ về khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam.
"Trong những năm qua, Chính phủ có nhiều chính sách mới kiến tạo và tạo dựng môi trường đầu tư. Những chính sách mới này được sự đón nhận, hoan nghênh của bạn bè quốc tế. Chính vì thế, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc tế do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác xếp hạng, Việt Nam đều có bước tiến bộ và được đánh giá cao. Hiện tại, Việt Nam đang có môi trường và cơ hội đầu tư rất tốt trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định.n