THÁCH THỨC TRÊN CON ĐƯỜNG LÀM “ĐIỀU SẠCH”
BPO - Nông nghiệp hữu cơ sẽ là bước đệm quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành điều Bình Phước nói riêng vươn xa,ụđiềbảng xếp hạng ngoại hạng tbn nếu có định hướng kịp thời và phù hợp. Tuy nhiên, dù người nông dân đã bắt đầu ý thức hơn về sản xuất sạch nhưng đến nay, sản xuất điều sạch vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, đặc biệt là thách thức về thu nhập của người sản xuất khiến việc chuyển đổi theo mô hình hữu cơ chưa thực sự hấp dẫn người dân.
Khi nào giá “điều sạch” tốt lên?
Sau hơn 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng đã thu hút sự tham gia, hợp tác của hơn 300 thành viên với hơn 1.000 ha điều. Số thành viên ngày một nhiều hơn, chứng tỏ người dân ngày càng nâng cao nhận thức về sản xuất “điều sạch” và tham gia các mô hình liên kết để nâng cao giá trị của hạt điều. Tuy nhiên, những thách thức về giá vẫn là hạn chế lớn nhất ngăn cản người dân tiếp cận với các mô hình trồng “điều sạch”. Vụ điều năm nay dù mất mùa, giá không có nhiều chuyển biến, thậm chí còn có dấu hiệu đi xuống, với những nông hộ trồng “điều sạch”, mức giá thu mua cũng chỉ chênh lệch từ 500-1.000 đồng/kg. Mức giá chênh lệch không đáng để người nông dân “hào hứng” với “điều sạch”. Trong khi đó, để được công nhận “điều sạch” thì điều phải chịu sự đánh giá, kiểm tra thường xuyên của doanh nghiệp thu mua.
Giá hạt điều sạch cao hơn không bao nhiêu so với giá hạt điều truyền thống là thách thức lớn ngăn cản người dân tiếp cận với điều sạch
Ông Đào Trọng Hiếu, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát cho biết: Nếu giá điều hơn 30 ngàn đồng/kg, người dân sẽ quan tâm đến “điều sạch” nhiều hơn. Thực tế, với giá điều hiện nay không xứng với công sức người làm “điều sạch” bỏ ra.
Không chỉ vậy, sản phẩm “điều sạch” hiện vẫn chưa tìm được con đường riêng cho mình trên thị trường vốn phức tạp và nhiều cạnh tranh. Ông Nguyễn Minh Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong sản phẩm sạch của hợp tác xã được bán đúng “chỗ sạch” và với mức “giá sạch”, tránh nhầm lẫn hoặc trà trộn những sản phẩm không đảm bảo vào điều hữu cơ. Điều này về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của hợp tác xã”.
Trồng “điều sạch” có dễ?
Theo đánh giá của các hộ dân trồng “điều sạch”, trồng điều theo phương pháp hữu cơ không khó và người trồng điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, người dân có thể tham gia vào các hợp tác xã để được hướng dẫn quy trình canh tác “điều sạch” cũng như hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Điều quan trọng là người nông dân phải gắn bó và quan tâm hơn đến vườn điều, thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh sớm và có các biện pháp chăm sóc khác.
Ông Nông Văn Cường ở thôn 7, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng có hơn 20 năm gắn bó với cây điều, cho biết: “Điều sạch” cũng dễ làm chứ không khó, năng suất luôn ổn định. Tuy nhiên, do không sử dụng phân, thuốc hóa học nên phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm sâu bệnh và xử lý kịp thời. Với những người trồng điều lâu năm như ông, việc gắn bó, chăm sóc cây điều không khó. Tuy nhiên, khi đã chọn điều là cây trồng chủ lực thì phải thay đổi tư duy, xem cây điều như một loại cây trồng khó tính, có khả năng mang lại lợi nhuận cao chứ không phải là tư duy trồng điều dễ dãi, 1 năm thăm vườn 2 lần như hiện nay.
Bình Phước đang xây dựng nhiều chủ trương, chính sách để mở ra cơ hội cho ngành điều có khả năng phát triển, xây dựng thương hiệu điều Bình Phước một cách bền vững. Hiện nay, Bình Phước có khoảng 3.200 ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được doanh nghiệp thu mua rất tốt. Đó là những hạt nhân để xây dựng thương hiệu điều Bình Phước song song với các chính sách tái canh ngành điều mà tỉnh đang thực hiện cũng như việc hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ theo chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. |
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Thực tế, với các vườn điều đã được chuyển đổi sang mô hình trồng “điều sạch”, giống tốt, năng suất đều đạt hơn 3 tấn/ha. Đây là mức năng suất mà người trồng có thể “sống khỏe” với cây điều. Hơn nữa, khi nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn thì chỉ có các sản phẩm từ hạt điều sạch, an toàn cho sức khỏe mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường và người nông dân buộc phải bắt kịp xu thế này.