Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài 1 - Thời cơ lớn! Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài 2 - Thị trường biến động liên tục,ĐườngdàichoxuấtkhẩugạoBàkqbd olympiakos rủi ro thua lỗ chực chờ |
Tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân
Trong những chia sẻ gần đây, PGS.TS Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam đã chỉ ra rằng, ưu thế ngành lúa gạo Việt Nam là sở hữu hệ thống thủy lợi phát triển, vùng sản xuất tập trung cao nhất khu vực Đông Nam Á cùng sự đóng góp hiệu quả của khoa học công nghệ. Đặc biệt, bộ giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, OM18, ST25 và các kỹ thuật canh tác tiên tiến đã mang lại năng suất lúa vượt trội so với khu vực, đột phá về giá trị gạo xuất khẩu.
Điều này đã giúp Việt Nam xuất khẩu đạt gần 8,3 triệu tấn gạo với giá trị kim ngạch 4,78 tỷ USD trong năm 2023, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Tuy vậy có một thực tế là dù xuất khẩu gạo tăng kỷ lục nhưng đời sống của người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn, còn doanh nghiệp xuất khẩu thì không ít công ty rời thị trường hoặc rơi vào vòng xoáy thua lỗ. Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải: Do ngành gạo chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao, chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững; chưa đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ tránh những rủi ro khi giá thị trường lên xuống |
Bước sang năm 2024, mặc dù gạo Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số cơ quan liên quan thì hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023; nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình thế hiện nay. Điều quan trọng hơn là trong chuỗi sản xuất lúa gạo không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng phải có lãi. Muốn làm được, nông dân cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa, liên kết hợp tác sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và hình thành các hợp tác xã. Đồng thời cũng cần liên kết hợp tác với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân, hợp tác xã và liên kết dọc giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.
“Muốn có sản xuất lớn cần phải liên kết lại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nền đã được tập huấn. Trong đó doanh nghiệp đặt hàng cho các hợp tác xã để sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu, đồng thời giữa doanh nghiệp và người nông dân cần có tiếng nói chung, để giữ uy tín với nhau. Đặc biệt trong quá trình làm phải có sự chia sẻ lợi nhuận, tạo chữ tín, phát triển bền vững”-ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An khuyến cáo.
Bao tiêu theo cơ chế thị trường
Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, nêu ý kiến, trước đây nhiều doanh nghiệp lúa gạo đã thực hiện mô hình cánh đồng lớn nhằm liên kết sản xuất - tiêu thụ. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bao tiêu lúa cho nông dân với mức giá cố định. Tuy nhiên, việc bao tiêu sản phẩm đã bị phá vỡ bởi khi giá lên, nhiều nông dân “bẻ kèo” để bán cho thương lái, và khi giá xuống thấp, doanh nghiệp cũng không thu mua. Do vậy, để mô hình liên kết bền vững, cần phải thực hiện bao tiêu theo cơ chế thị trường.
Đồng quan điểm, ông Ngô Hữu Phát, Giám đốc Công ty Thiện Phát cho biết, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã cần chia sẻ hài hòa lợi nhuận với nhau. Theo ông Phát, trong năm 2023 doanh nghiệp này đã thực hiện liên kết thu mua và bao tiêu trên 600.000 tấn lúa ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để tạo niềm tin giữa doanh nghiệp và bà con nông dân trong mối liên kết này, ông Phát đưa ra phương thức liên kết đã được doanh nghiệp thực hiện thành công tại nhiều địa phương gồm: Doanh nghiệp sẽ chốt giá cố định với nông dân theo giá thị trường từ đầu vụ. Khoảng 10 - 15 ngày trước thời điểm thu hoạch, nếu giá lúa tăng, doanh nghiệp sẽ tăng 200 - 500 đồng/kg cho bà con nông dân, thậm chí là tăng thêm gần 2.000 đồng/kg trong thời điểm giá lúa tăng cao. Trường hợp giá lúa sụt giảm bà con nông dân cũng đồng thuận giảm giá một phần cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi doanh nghiệp đã nhận được lúa, sẽ hỗ trợ tiếp tục 50 đồng/kg để tạo động lực cho nông dân, Hợp tác xã gắn kết với đơn vị.
Trong khi đó, ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phát Tài cho biết, thường doanh nghiệp xuất khẩu không mặn mà liên kết bởi ngoài chi phí tăng cao, còn tình trạng nông dân/hợp tác xã thường xuyên “bẻ kèo”, trong khi không có chế tài nào về việc này.
Theo ông Long, muốn liên kết thành công, “cuộc chơi” này phải công bằng, tức cả phía doanh nghiệp và người nông dân đều phải ký quỹ tại ngân hàng nhằm đảm bảo thực hiện cam kết giữa hai bên. “Nông dân/hợp tác xã muốn chốt giá bán đầu vụ, giữa vụ hay trước thu hoạch 10 ngày đều được, nhưng bắt buộc phải ký quỹ tại ngân hàng”,ông cho biết và giải thích, tiền ký quỹ này sẽ thuộc về bên kia nếu bên còn lại không thực hiện đúng cam kết.
Để việc liên kết thành công, vấn đề vốn rất quan trọng được GS.TS Võ Tòng Xuân đưa ra, đó là, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên.
Cùng với đó, theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nông dân cần kết hợp cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ số. Thêm vào đó phải sản xuất theo xu thế của thế giới là giảm phát thải để tạo hình ảnh mới về lúa gạo Việt Nam.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đang được triển khai tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long |
Về vấn đề này, hiện Chính phủ đã có Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để tham gia đề án, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân.
Theo đó thành lập hoặc củng cố các hợp tác xã. Các hợp tác xã sẽ được huấn luyện trồng lúa theo giống nào, quy trình nào để nông dân làm theo. Các hợp tác xã sẽ sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp để có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là đường dài bền vững để gạo của chúng ta đi xa.
Thủ tướng chỉ thị mới về kinh doanh xuất khẩu gạo Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, ngày 2/3/2024 Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, hiệu quả trong tình hình mới. Theo Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp… Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030" và các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo; Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý vướng mắc về hoàn thuế VAT theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương tính toán, có phương án mua dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; tổ chức sản xuất lúa, gạo trong từng mùa vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua lúa, gạo trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp và cung cấp cho các bộ, ngành liên quan phục vụ công tác điều hành sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước… Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường theo dõi, cập nhật, dự báo, cung cấp thông tin, diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa, gạo trong nước và thế giới tới các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tích cực tham gia thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" và các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm… |
Bài cuối: Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho toàn chuỗi