Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức giá dịch vụ KCB cụ thể phải bảo đảm khuyến khích người dân KCB ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.
Cơ chế giá chưa linh hoạt
Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ KCB: Tháng 1/2018 điều chỉnh đồng thời giá dịch vụ KCB của người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT tính thêm chi phí quản lý, với mức giá tăng khoảng 1,5% so với giá năm 2017; tháng 1/2020 điều chỉnh đồng thời giá dịch vụ KCB của người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định, với mức giá giá tăng khoảng 6,8% so với giá năm 2018.
Việc quy định mức giá dịch vụ KCB cụ thể phải bảo đảm khuyến khích người dân KCB ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.
Xét theo lộ trình trên thì đến nay giá dịch vụ KCB mới được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý. Như vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB đã bị chậm theo lộ trình.Theo chia sẻ của ông Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ và thời gian điều chỉnh giá không kịp thời đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ của bệnh viện.
Giá dịch vụ KCB là một trong những căn cứ để thanh toán chi phí KCB. Tuy nhiên, có một bất cập đặt ra là đến nay Bộ Y tế chưa ban hành được tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ làm cơ sở hướng dẫn áp dụng mức giá cho phù hợp với chất lượng dịch vụ. Điều này dẫn đến dịch vụ được cơ sở KCB cung ứng đảm bảo chất lượng cũng có giá như dịch vụ cung ứng không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở khác, tạo nên sự không công bằng trong thanh toán chi phí KCB, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, làm gia tăng chi phí KCB BHYT bất hợp lý.
Ông Trần Bình Giang cho biết, 95% nguồn thu của bệnh viện là từ BHYT. Bệnh viện Việt Đức là tuyến cuối, nơi bệnh nhân từ các bệnh viện khác đã chữa trị, chủ yếu khi chuyển lên tuyến trên thì bệnh đã rất nặng cần điều trị với các phương tiện kỹ thuật cao, các thuốc đặc trị, mà các phương tiện thuốc men này thường rất đắt tiền. Trong khi đó đối với bệnh nhân BHYT, nhiều loại chưa có trong danh mục chi trả.
Bệnh viện theo mô hình doanh nghiệp được quyết định giá KCB
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 85/2012/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo bản dự thảo sửa đổi, đối với bệnh viện thực hiện tự chủ và các cơ sở thực hiện xã hội hóa, mức giá dịch vụ KCB được tính đủ chi phí (chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý) và trích khấu hao tài sản cố định theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có tích lũy để đầu tư phát triển. Mức tích lũy tối đa không quá 10% tổng chi phí của dịch vụ.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính theo từng dịch vụ, kỹ thuật y tế hoặc tính theo trường hợp bệnh. Đối với các dịch vụ, kỹ thuật y tế, các loại bệnh, nhóm bệnh do ngân sách nhà nước hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán sẽ thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định.
Đối với các dịch vụ, kỹ thuật y tế, các loại bệnh, nhóm bệnh do người bệnh tự chi trả, không thuộc phạm vi thanh toán của cơ quan BHXH, Bộ Y tế quy định mức giá đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý; hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giá đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý nhưng không vượt quá mức tối đa của khung giá chung.
Giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, các dịch vụ, kỹ thuật y tế từ nguồn vốn vay, vốn huy động do thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quyền quyết định mức giá nhưng không vượt quá mức tối đa của khung giá chung.
Đặc biệt, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được quyền quyết định mức giá và phải niêm yết, kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá.
Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang thực hiện tổng kết 9 năm (2011 - 2019) thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ông Nguyễn Đức Nhật - Phó Trưởng phòng Sự nghiệp y tế, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 88 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh) về giá dịch vụ KCB theo hướng: Giá dịch vụ KCB là số tiền phải trả cho mỗi dịch vụ KCB; giá dịch vụ KCB bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện dịch vụ theo quy trình chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định gắn với chất lượng dịch vụ, phù hợp với chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật thực tế thực hiện, định mức chi phí do cấp có thẩm quyền ban hành. Việc quy định mức giá dịch vụ KCB cụ thể phải bảo đảm khuyến khích người dân KCB ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.
Bùi Tư - Đức Việt