Hải quan không xử phạt vi phạm hành chính với lý do tác động từ dịch Covid -19 | |
Doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời,lịch thi đấu getafe thu thuế từ khu vực sản xuất kinh doanh vẫn đạt khá | |
Có được miễn tiền phạt, tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng? |
PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật dân sự - Trường Đại học Luật TPHCM, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). |
Ông nhận định như thế nào về những tác động của đại dịch Covid-19 tới việc thực hiện hợp đồng của các DN?
Với sự xuất hiện của Covid-19, việc thực hiện hợp đồng của DN sẽ gặp 2 loại khó khăn chính sau.
Thứ nhất, chi phí thực hiện hợp đồng tăng lên rất nhiều. Thực tế, để xuất khẩu được, DN phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về y tế. Thậm chí có thời điểm chưa thể xuất khẩu được mà phải chờ sự cho phép của chính quyền, DN phải chịu thêm các chi phí về bảo quản hàng hóa.
Thứ hai, trong một số trường hợp, DN nhận được yêu cầu của cơ quan hành chính phải dừng thực hiện hợp đồng. Ở đây, hợp đồng không thể thực hiện được trong thời gian mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Với 2 loại khó khăn như trên thì liệu trong điều kiện đại dịch Covid-19 có thể được coi là một sự kiện bất khả kháng hay không, thưa ông?
Sự kiện bất khả kháng được định nghĩa tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 là “sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép”. Như vậy, cần có đồng thời cả 3 điều kiện này thì mới được xem là sự kiện bất khả kháng.
Đối chiếu nội hàm bất khả kháng với Covid-19, ta thấy dù có Covid-19 nhưng nhiều hợp đồng vẫn được thực hiện, buôn bán vẫn có thể được thực hiện, hàng hóa vẫn có thể xuất khẩu. Như vậy, bản thân dịch Covid-19 không phải là sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Covid-19, chính quyền đã ban hành nhiều biện pháp khiến DN đôi khi không thể thực hiện được hợp đồng. Trong trường hợp này, Covid-19 cộng với quyết định của cơ quan Nhà nước có thể là sự kiện bất khả kháng.
Chúng ta không nên lạm dụng, viện dẫn lý do dịch bệnh để khởi động cơ chế bất khả kháng. Vì nếu ai cũng xem Covid-19 là sự kiện bất khả kháng thì không còn hợp đồng nào có thể thực hiện được. Khi đó cuộc sống sẽ bị đình trệ, nhưng trên thực tế, mọi việc vẫn diễn ra theo cách thức khác so với thông thường.
Theo ông, các doanh nghiệp có nên đưa điều khoản bất khả kháng vào hợp đồng để phòng ngừa rủi ro cho tương lai?
Bộ luật Dân sự không có quy định về việc các bên có được thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng hay không (không quy định rõ cho phép hay không cho phép). Tuy nhiên, kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp tại VIAC cho thấy, các hợp đồng mua bán, hợp đồng thương mại thường xuyên có điều khoản về sự kiện bất khả kháng.
Thực tế, đã có Tòa án vận dụng thỏa thuận đó để cho rằng có sự kiện bất khả kháng trong mối quan hệ với Covid-19. Tại Pháp, đã có trường hợp các bên thỏa thuận sự kiện bất khả kháng là sự kiện đến từ bên ngoài, không lường trước được và làm cho hợp đồng không thể thực hiện được trong điều kiện kinh tế hợp lý. Khi có tranh chấp trong bối cảnh Covdi-19, Tòa án Pháp đã cho rằng Covid-19 làm cho chi phí tăng lên, Nhà nước áp đặt những biện pháp hành chính khiến hợp đồng không thể thực hiện được trong bối cảnh kinh tế hợp lý mà các bên đã thỏa thuận nên đã cho rằng có sự kiện bất khả kháng. Hiểu một cách tích cực, bất khả kháng là vấn đề nội bộ của các bên và chúng ta nên theo hướng các bên hoàn toàn có thể định đoạt nó, thỏa thuận về nó.
Tóm lại, dù văn bản chưa quy định rõ, nhưng thực tiễn cho thấy có thể thỏa thuận trong hơp đồng về một hoàn cảnh được coi là sự kiện bất khả kháng. Các bên nên xem lại trong hợp đồng của mình xem điều khoản về bất khả kháng đã đủ rõ để có thể khai thác về Covid-19 hay chưa. Nếu chưa có điều khoản về Covid-19 mà có thể sửa hợp đồng hoặc tạo lập hợp đồng mới thì nên đưa vào hợp đồng nội hàm của sự kiện bất khả kháng trong mối quan hệ với dịch Covid-19.
Ngoài sự kiện bất khả kháng thì trong Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hai khái niệm này khác nhau như thế nào, thưa ông?
Bộ luật Dân sự có một quy định mới về Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại Điều 420. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản có điểm chung với bất khả kháng ở tính khách quan, tính không lường trước được của sự việc. Tuy nhiên, sự khác biệt là bất khả kháng có thành phần là “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép” (tức không thể thực hiện được); còn trong thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì hợp đồng vẫn có thể thực hiện được nhưng khi thực hiện mà không có sự thay đổi thì một bên sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng như, để thực hiện hợp đồng, bên cung cấp hàng hóa sẽ phải chịu thêm rất nhiều chi phí do dịch bệnh Covid-19.
Như vậy, điểm khác biệt cơ bản nằm ở khả năng thực hiện hợp đồng: hợp đồng khi có bất khả kháng là không thể thực hiện được còn hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì vẫn có thể thực hiện được.
Khi tham gia xây dựng Điều 420 nêu trên với tư cách là thành viên Tổ biên tập Dự thảo Bộ luật Dân sự và chuyên gia chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự tại Quốc hội, tôi chưa nghĩ tới dịch bệnh. Tuy nhiên, với quy định khái quát như Điều 420, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng điều luật này trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Trong trường hợp một DN cho rằng hội tụ các yếu tố của sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nhưng phía đối tác lại không chấp nhận thì việc giải quyết tranh chấp nên đi theo hướng nào để đảm bảo lợi ích lâu dài cho DN?
Khi có tranh chấp mà phải đi đến phán quyết của Tòa án hay Trọng tài với một bên thắng, một bên thua thì bên thắng vẫn thể có thiệt hại. Vì nếu DN thắng vụ tranh chấp lại có khả năng mất đi đối tác của mình. Chính vì vậy, phương thức hòa giải nên được khuyến khích và hòa giải ở đây có thể tiến hành trước tố tụng hay trong quá trình tố tụng.
Khi hòa giải thành, hướng giải quyết tranh chấp do các bên quyết định nên yếu tố thắng/thua không tồn tại. Tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, khoảng 1/3 vụ tranh chấp mà tôi tham gia kết thục bằng hòa giải thành. Trong những trường hợp như vậy, cơ hội để các bên tiếp tục giao dịch trong tương lai là rất cao và đây là điểm DN nên tận dụng để xử lý quan hệ của mình, nhất là thông qua chuyên gia có uy tín.
Khi được xin tư vấn hay giải quyết tranh chấp với vai trò là Trọng tài viên, tôi thường đưa ra lời khuyên hòa giải. Thực tế, khi bàn về bất khả kháng, về hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì rủi ro về điều kiện áp dụng rất cao và tốn rất nhiều công sức để chứng minh. Do đó, DN nên thương lượng, tiến hành hòa giải; khi hòa giải thành ta vẫn sẽ có thể tiếp tục cùng làm việc, cùng giao dịch với nhau trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!