Thay đổi tư duy từ ưu đãi sang hỗ trợ DN
Sáng 19/12, Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây được xem là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hội nghị chuyên đề được tổ chức trong năm nay để giải quyết các vấn đề nóng, then chốt với nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng CNHT đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn, tránh bẫy thu nhập trung bình.
Thời gian qua, DN CNHT của Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh DN, sản phẩm, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các DN vừa và nhỏ trong nước. Cả nước hiện có trên 3.000 DN CNHT đang hoạt động, chiếm 4,5% DN trong ngành chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động trực tiếp...
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cơ chế chính sách tuy đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển CNHT. Các chính sách chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm CNHT hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của DN. Trong khi đó, các DN CNHT Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi, do không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra. "Cần coi CNHT là ngành trọng yếu, cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho DN sang hỗ trợ, nâng cao năng lực DN", Phó Thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam còn thiếu các DN đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển. Ngoài ra, khâu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của DN chưa được chú trọng.
Chính sách ưu đãi chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nêu ra một số khó khăn, hạn chế của CNHT tại Việt Nam. Trong đó, về mặt chính sách, mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển CNHT, tuy nhiên các chính sách được ban hành rất chậm. Chính sách thu hút các DN FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. CNHT có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các DN này và các DN CNHT còn chưa được hình thành. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các DN sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các DN vừa và nhỏ chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản qui phạm pháp luật nào.
Ở giai đoạn đầu phát triển, ngành CNHT còn nhiều hạn chế và yếu kém, chưa đủ nguồn lực để vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, vì vậy thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chính như ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may… nhằm tạo thị trường cho CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn, gây ra các hạn chế trong việc phát triển chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế, khiến dung lượng thị trường cho ngành CNHT thời gian vừa qua không đủ để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.
Trong khi đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, nhưng chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…). Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn gặp nhiều vướng mắc như chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) qua hệ thống ngân hàng phát triển, chính sách hỗ trợ DNNVV trong CNHT. Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… Việc thiếu các cơ chế này khiến DN CNHT khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi. Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách về CNHT còn rất hạn chế chưa tạo ra các chế tài chặt chẽ buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai.
Theo Bộ Công thương, việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN như Campuchia 22%, Thái Lan 26%; hay Hàn Quốc 28% , Trung Quốc 36%. Vì vậy, phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam. |
H.Y