Nhu cầu đầu tư lớn Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), hệ thống chính sách tài chính áp dụng cho các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam hiện nay nhìn chung bao gồm 5 nhóm chính sách trong các lĩnh vực: thuế; đầu tư; tín dụng; chính sách đất đai và các chính sách khác. Tuy nhiên, TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, thực tế việc triển khai chính sách tín dụng không thực sự nổi bật do các cơ chế, chính sách ưu đãi tín dụng gặp nhiều rảo cản, chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách phát triển KCN sinh thái, nên rất cần nguồn vốn đầu tư lớn, song hiện nay các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất tăng cao, thời hạn vay ngắn.
Cho đến nay, hầu như cũng chưa có chính sách tín dụng ưu đãi nào được quy định, nhằm thúc đẩy tiếp cận vốn cho các KCN sinh thái. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời, thì rất khó để mô hình KCN sinh thái phát triển được trong thực tế. “Điều này có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế” - TS. Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh. Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các KCN sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha đất phục vụ KCN, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000 ha. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) cho thấy, ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất KCN bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các KCN đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD. Như vậy, nhu cầu thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trong KCN, khu kinh tế (KKT) là rất lớn. Đa dạng hóa các định chế tài chính bất động sản Theo TS. Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế ISC, để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các KCN trong những năm tới, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong việc khơi thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Thông tin về nguồn vốn cho KCN, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, đến hết năm 2023, tín dụng bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,4% tổng dư nợ của nền kinh tế), ước tăng khoảng 6,75% so với cuối năm 2022. Đến hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng cho các KCN là 56,6 nghìn tỷ đồng; chiếm 5,7% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản và tăng 41% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng gần 22% của tín dụng kinh doanh bất động sản và cao hơn và mức tăng 13,7% tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023. Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển KCN, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh nguồn vốn phát triển KCN còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn bên ngoài. Do thời gian đầu tư và hoàn vốn kéo dài nhiều năm nên nhu cầu vay vốn trung dài hạn là rất lớn. Trong khi đó, việc định giá đất gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua dẫn tới việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn hơn. Sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản KCN. Để tháo gỡ khó khăn này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm giải quyết các vấn đề tồn tại trên thị trường tài chính; đa dạng hóa các định chế tài chính bất động sản như thành lập quỹ tín thác bất động sản, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Quỹ phát triển nhà ở xã hội… Đối với các định chế tài chính, cần triển khai thực hiện quyết liệt các định hướng, thông tư, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để hỗ trợ nguồn vốn và chính sách thuế, phí đối với các KCN. Về phía các chủ đầu tư KCN, cần thực hiện cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm; đa dạng hóa nguồn vốn hướng tới minh bạch và hiệu quả hơn; quan tâm quản lý rủi ro, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về môi trường, an toàn...
|