Người dân mua hàng trong siêu thị tại Duesseldorf, Đức. |
Sáng kiến thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu do Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Svenja Schulze cùng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đề xuất nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập.
Trong thông báo sau hội nghị, các bộ trưởng phát triển G7 cho rằng ngày càng có nhiều người bị đe dọa do tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái, mất đa dạng sinh học, suy giảm kinh tế và nghèo đói, phân biệt đối xử, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, mất an ninh năng lượng, bất bình đẳng giới và bạo lực.
G7 nhận thấy những điều này gây ra thách thức lớn cho thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang hoặc kém phát triển, những nhóm người dễ bị tổn thương.
Do đó, G7 sẽ tiếp tục giải quyết các nhu cầu nhân đạo trên toàn cầu.
G7 cam kết tuân thủ hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác quốc tế, không bỏ sót ai lại phía sau; tái khẳng định các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tương ứng cũng như cam kết đảo ngược xu hướng giảm ODA cho các nước kém phát triển nhất, hướng tới mục tiêu hỗ trợ ODA tốt hơn.
G7 cũng thể hiện sự lo ngại đặc biệt về tác động toàn cầu của cuộc chiến tại Ukraine, cho rằng cuộc chiến có thể làm gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng, nghèo đói và các bất bình đẳng khác trong và ngoài khu vực; làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu.
Phát biểu sau hội nghị, Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức cho biết tình hình lương thực toàn cầu hiện đã xấu đi nghiêm trọng. Nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đang bùng phát, do đó cần phải hành động một cách quyết đoán và cùng nhau, cũng như đảm bảo cung cấp lương thực một cách nhanh chóng cho những người có nguy cơ nhất.
G7 cũng mong muốn thay đổi cấu trúc một cách bền vững để trong tương lai, các nước đang phát triển có khả năng tự cung tự cấp lương thực tốt hơn, thay vì phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Theo Bộ trưởng Schulze, sáng kiến của G7 chỉ là sự khởi đầu. Liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào để tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Cam kết của WB sẽ giúp đảm bảo liên minh này tiếp tục hoạt động lâu dài trong những năm tới.
Ngoài WB, các nước G7 và Ủy ban châu Âu, các tổ chức và quốc gia đã cam kết ủng hộ liên minh lương thực còn có Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu của Liên hợp quốc, Na Uy, Đan Mạch, Liên minh châu Phi (AU), Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD).
Sau khi liên minh lương thực được thành lập, G7 cho hay sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác khác để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của liên minh nhằm ứng phó một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững đối với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay./.