CNBC, kênh truyền hình thông tin kinh tế và thị trường tài chính Mỹ dẫn báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Bain&Co. cho biết, các quốc gia Đông Nam Á có thể được hưởng lợi đáng kể nếu như các công ty trên chuyển hướng tìm cơ sở cung ứng tại một địa điểm khác.
“Về mặt ngắn hạn, chắc chắn sẽ có tác động xấu tới khu vực vì đây là cơ sở xuất khẩu cho Mỹ nói riêng và cho thế giới nói chung. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi khá tự tin rằng thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các công ty toàn cầu tìm chuỗi cung ứng thay thế Trung Quốc”, Satish Shankar – hội viên quản lý chuyên về Đông Nam Á của Bain & Co nhận định.
Bain & Co. dự đoán khi các công ty cân nhắc chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sẽ áp dụng nhiều công nghệ hơn vào hoạt động hàng ngày có khả năng tạo ra cơ hội trị giá lên tới 1.000 tỷ USD.
Ngay cả khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt, các công ty vẫn sẽ tìm cách và chuyển một vài chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á vì hai lý do sau.
“Một là quá trình này đã và đang được tiến hành. Kết quả là các công ty có kinh nghiệm hoạt động ở những quốc gia như Việt Nam và Thái Lan đều nhận được tín hiệu tích cực. Thứ hai, đây là cơ chế hoạt động kinh doanh đảm bảo đa dạng hóa và công ty không gặp rủi ro khi tập trung vào một chuỗi cung ứng duy nhất”, chuyên viên Satish giải thích.
Shankar cho biết, trong tương lai, các công ty sẽ chuyển sang chuỗi cung ứng phân phối, mà ở đó họ sẽ có nhiều nguồn cung cấp cho một sản phẩm cụ thể.
Sự hiện diện bùng nổ của các công ty đã làm cho ASEAN trở thành một cơ sở cung ứng hợp pháp. “Đây là khối kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, có quy mô tương đương với Anh và Ấn Độ. Khối kinh tế này đã tăng trưởng 4,5 - 5% với rất nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực".
Ông Shankar lưu ý mỗi quốc gia trong khu vực lại sở hữu một thế mạnh khác nhau: “Cụ thể như Thái Lan, với ngành công nghệ ô tô phát triển, có thể trở thành cơ sở cung ứng thay thế cho các công ty thuộc lĩnh vực này”./.
Theo TTXVN