Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt Lin Kuo Chu 20 năm tù giam, Lưu Tuấn Kiệt 6 năm tù giam. Lin Kuo Chu đã có đơn kháng cáo kêu oan. Lưu Tuấn Kiệt cũng gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Theo hồ sơ vụ án, năm 1992, Lin Kuo Chu gặp Lưu Vĩ Hùng là chủ cơ sở Liên Thành bàn bạc về kế hoạch hợp tác làm ăn. Lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng gia công, Lin Kuo Chu móc nối với Hùng, Phùng Gia Hào và Lưu Tuấn Kiệt thành lập công ty để nhập nguyên liệu gia công. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Lin Kuo Chu, các công ty này chỉ gia công một phần sản phẩm để xuất khẩu, còn lại thì bán hết nguyên phụ liệu ra thị trường trong nước.
Khi đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, để trốn việc thanh khoản hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan, Chu và các đồng phạm đã liên hệ với các công ty xuất nhập khẩu để ký phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (nguyên liệu thừa) sang hợp đồng mới, nhưng trên thực tế không có nguyên liệu.
Theo kết luận của Cục Hải quan TP.HCM, tổng số nguyên liệu nhập khẩu để gia công hàng hóa mà Lin Kuo Chu đã đem bán ra thị trường Việt Nam là hơn 3 tấn sợi các loại, 2,6 triệu đôi vớ thành phẩm và 21.600 đôi với thành phẩm. Tổng trị giá số hàng trên là 40,6 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, các bị cáo Lin Kuo Chu, Lưu Vĩ Hùng, Phùng Gia Hào và Lưu Tuấn Kiệt đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tại phiên tòa xét xử sơ thầm, Tòa án Nhân dân TP.HCM kết luận bị cáo Lin Kuo Chu giữ vai trò chủ mưu, điều hành các cơ sở và trả lương cho các bị cáo còn lại. Bị cáo cũng là người chỉ đạo việc ký phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp sang hợp đồng mới mà trên thực tế không có nguyên liệu để tránh việc phải thanh khoản hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan.
Các bị cáo Lưu Vĩ Hùng, Phùng Gia Hào, Lưu Tuấn Kiệt đóng vai trò giúp sức cho Lin Kuo Chu trong việc thực hiện hợp đồng gia công với các công ty Đài Loan nhận nguyên liệu gia công rồi đem bán ra thị trường Việt Nam.
Tại phiên xử phúc thẩm, Lin Kuo Chu kêu oan và khai mình chỉ là người làm công cho ông chủ ở nước ngoài. Theo đó, Chu chỉ giám sát phần kỹ thuật trong việc gia công hàng, những việc khác bị cáo không biết.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết, với các hợp đồng gia công, nếu không thực hiện thanh khoản hợp đồng thì doanh nghiệp có thể đóng thuế nhập khẩu sau đó đem tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, việc đóng thuế này phải được thực hiện trước khi đem nguyên liệu đi tiêu thụ.
Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng lời khai ban đầu của Chu đã thừa nhận hành vi phạm tội. Lời khai ban đầu cũng khớp với lời khai của các bị cáo còn lại và các nhân chứng trong vụ án. Do đó đại diện Viện Kiểm sát đề nghị bác đơn kháng cáo của Kin Kuo Chu.
Luật sư bào chữa cho Lin Kuo Chu cho rằng, hành vi của bị cáo Chu mới chỉ cấu thành tội “trốn thuế” chứ chưa đủ cơ sở để kết luận bị cáo phạm tội buôn lậu.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Theo đó bác đơn kháng cáo của bị cáo Lin Kuo Chu và bị cáo Lưu Tuấn Kiệt, y án sơ thẩm. Ngoài ra, hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét truy thu của bị cáo Lin Kuo Chu số tiền 40,6 tỷ đồng là trị giá số nguyên phụ liệu mà bị cáo đã bán ra tại thị trường Việt Nam để sung công quỹ.
Nguyễn Hiền