Công nghiệp tăng trưởng trong nhiều khó khó khăn
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19. Ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm dịch bệnh lần hai tại Việt Nam từ cuối tháng 7/2020 tục gây nên những khó khăn cho nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.
Tăng cường hỗ trợ DN để giữ nhịp tăng trưởng ổn định sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm 2020 này |
Đến nay, một số nước là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoàn toàn khiến cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Do đó, tình hình sản xuất của DN công nghiệp tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng ổn định.
Những khó khăn này đã làm ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố trong tháng 8/2020 chỉ tăng tăng 4% so tháng trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,1%. Tính chung 8 tháng/ 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận ý kiến một DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sản xuất công nghiệp nội địa cũng đang chịu sức ép về gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã thực hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP và mới đây nhất là EVFTA.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội DN Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - dự báo, sức mua của người tiêu dùng đang chịu tác động do dịch bệnh quay trở lại sẽ làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của các ngành sản xuất. Ngay thời điểm này mức tác động là chưa nhiều nhưng trong quý tiếp theo tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chính đến từ nỗi lo mất việc làm ngày càng lớn hơn, chủ yếu diễn ra ở khối DN tư nhân. Với tâm lý như vậy, đa số người dân sẽ thắt chặt chi tiêu sẽ khiến cho sức mua chung trên thị trường khó có thể tăng như kỳ vọng
Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trong 8 tháng/ 2020 của thành phố gặp nhiều khó khăn. Các DN rất cần các biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng, mang tính đột phá hơn. Cụ thể như mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế cũng như thị trường đối tác xuất khẩu mới. Khẩn trương rà soát, xem xét miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế. Tuyên truyền và tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm ủng hộ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngoài ra, cần hướng dẫn DN tiếp cận những chính sách mới từ EVFTA và EVIPA - ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh đánh giá.
Tiếp tục sát cánh và hỗ trợ DN
Để sản xuất công nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020 rất cần những giải pháp, chính sách đột phá, hỗ trợ nhanh cho DN ổn định, phát triển sản xuất.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay để duy trì sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng, DN cần tận dụng mọi cơ hội thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, DN phải chinh phục người tiêu dùng bằng các đa dạng giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao giá trị và tiêu chuẩn hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu. Còn đối với thị trường xuất khẩu, ngoài khai thác hiệu quả những điều kiện thuận lợi do những Hiệp định thương mại tự do đã và đang có hiệu lực thì DN cần nắm bắt cơ hội từ EVFTA đã chính thức có hiệu lực ngày 1/8/2020.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất công nghiệp phát triển, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao Sở Công Thương triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, như tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021- 2025. Triển khai Chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng thành phố năm 2020, với các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng bộ tài liệu quảng bá nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, điều tra thống kê DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết các mặt hàng có thế mạnh với từng thị trường cụ thể, trong đó chú trọng các các thị trường mà Việt Nam tham gia các FTA như CPTPP và EVFTA.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Thương mại điện tử, các hội ngành hàng, các sàn thương mại điện tử, đề xuất các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ DN nhất là DN nhỏ và vừa vì đây là khu vực DN chịu nhiều tổn thất nhất trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua.