Chính phủ đã có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này? Thực tế cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp và khó lường. Khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh, nguồn thu hạn hẹp trong khi tất cả các chi phí về tiền lương trả cho người lao động, hoặc chi phí về khấu hao máy móc, trang thiết bị, tiền thuê mặt bằng... doanh nghiệp vẫn phải chi trả. Nếu doanh nghiệp nào trước đó có nguồn lực về tài chính thì có thể cầm cự được, nhưng đa phần doanh nghiệp không những không phát sinh lãi, mà còn lỗ rất nặng. Vì vậy, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ cần thực hiện các gói giải pháp mạnh hơn nữa, ngoài giải pháp gia hạn thuế như đã thực hiện trước đây. Việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và cấp bách, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thể giữ được sự ổn định trong thời gian dịch bệnh đang bùng phát mạnh và có thể phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi. Chính sách miễn, giảm thuế tại dự thảo Nghị quyết này rõ ràng là rất cần thiết đối với doanh nghiệp trong thời điểm này. Thay vì họ chỉ được gia hạn nộp thuế tức chỉ chậm lại thôi, chứ vẫn phải nộp thì bây giờ được miễn giảm, nghĩa là không chỉ gia hạn, mà là không phải nộp số tiền thuế được miễn, giảm nữa. Theo bà, những hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đã xây dựng sẽ giúp sức cho doanh nghiệp tại thời điểm này như thế nào? Có thể thấy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đã có từ những gói hỗ trợ trước đây và đã được thực hiện. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp có lãi, còn đối với các doanh nghiệp khó khăn thì họ vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng khi có doanh thu. Chính vì vậy, khi có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh ở hầu hết mọi lĩnh vực tôi thấy khá mừng. Cụ thể, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Đồng thời, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác... Nói thế để thấy rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tôi đánh giá việc giảm thuế giá trị gia tăng, dù ở mức 30% hay 50% thì rất hữu ích đối với doanh nghiệp, vì dù doanh nghiệp không có lãi, nhưng cứ có doanh thu là phải nộp thuế. Giảm thuế giá trị gia tăng, đối tượng thụ hướng sẽ lớn, thiết thực và được đánh giá cao. Hiện doanh nghiệp đang rất mong chờ những hỗ trợ này đi vào cuộc sống. Vậy sau khi dự thảo Nghị quyết được ban hành, cần phải làm gì để doanh nghiệp sớm được thụ hưởng các chính sách miễn, giảm thuế này thưa bà? Để đảm bảo chính sách thuế đi vào cuộc sống, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục để được miễn, giảm thuế. Về thủ tục, nên tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục. Đặc biệt, chỉ cần làm một lần giấy đề nghị giảm thuế là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Khi có các văn bản hướng dẫn, cần được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời gửi đến người nộp thuế bằng thư điện tử, qua zalo, hoặc qua đại lý thuế để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, để chính sách hỗ trợ đến được với người nộp thuế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Về phía doanh nghiệp, họ cũng cần bố trí, sắp xếp lại sản xuất, nắm bắt được các chính sách hỗ trợ về thuế, các thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế. Xin cảm ơn bà! |