Trong thời gian gần đây, ngư dân của Kiên Giang sang vùng biển Cà Mau hoạt động sai vùng, tuyến gây huỷ diệt nguồn tài nguyên đã bị các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm phương tiện. Không chỉ vi phạm về hoạt động nghề mà số vụ gây mất trật tự trên biển cũng diễn ra đáng báo động. Các đối tượng gây án mang tính côn đồ, có tổ chức và chủ yếu là thuyền viên đến từ Kiên Giang.
Trong thời gian gần đây, ngư dân của Kiên Giang sang vùng biển Cà Mau hoạt động sai vùng, tuyến gây huỷ diệt nguồn tài nguyên đã bị các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm phương tiện. Không chỉ vi phạm về hoạt động nghề mà số vụ gây mất trật tự trên biển cũng diễn ra đáng báo động. Các đối tượng gây án mang tính côn đồ, có tổ chức và chủ yếu là thuyền viên đến từ Kiên Giang.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng Cà Mau, trong năm 2014, vùng biển tỉnh Cà Mau xảy ra 44 vụ mất an ninh trật tự, trong đó có 12 vụ chưa rõ đối tượng, làm chết 2 người, bị thương 12 người. Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân đánh nhau gây thương tích, tranh chấp ngư trường, đâm va và trộm cắp ngư cụ.
Cứu hộ người gặp nạn trên biển.
Ðiển hình như các vụ: Ngày 29/7, Ðồn Biên phòng Rạch Gốc tiếp nhận 1 người trôi dạt trên biển, được tàu đánh cá KG 8416 TS do ông Phan Văn Dĩ, 44 tuổi (ngụ Sóc Sơn, Hòn Ðất, Kiên Giang) làm thuyền trưởng vớt được khi tàu này đang hoạt động trên vùng biển cách Côn Ðảo khoảng 60 hải lý về hướng Nam. Qua điều tra, người trôi dạt trên biển có tên Danh Nhọn (17 tuổi, ngụ Hòn Ðất, Kiên Giang), là thuyên viên của tàu đánh cá Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong quá trình hoạt động trên biển có mâu thuẫn với 1 thuyền viên khác có tên Chiến nên Danh Nhọn dùng dao chém vào đùi Chiến gây thương tích, sau đó ôm phao tròn nhảy xuống biển.
Ngày 22/9, thuyền trưởng tàu đánh cá Kiên Giang ép 10 thuyền viên gồm: Danh Nhỏ, Tô Thanh Toàn, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Duy Thảo, Huỳnh Văn Huấn, Danh Duy, Nguyễn Hoàng Sơn, Danh Thanh, Phạm Văn Quân (Kiên Giang) và Nguyễn Văn Thân (quê Cà Mau) nhảy xuống biển sang tàu cá khác để vào bờ, nhưng khi nhảy xuống biển thì không tàu nào chịu vớt, vì vậy cả 10 thuyền viên bị trôi dạt trên biển. Ðến 18 giờ cùng ngày, họ được tàu đánh cá CM 99543 TS phát hiện cứu vớt.
Ngày 11/10, 5 thuyền viên tàu đánh cá KG 90658 TS không chịu lao động và dùng dao nhọn gây áp lực buộc thuyền trưởng chạy tàu vào bờ để về nhà. Các đối tượng đã dùng xẻng đánh bị thương 1 thuyền viên và đe doạ nếu không cho tàu chạy vào bờ sẽ chém các thuyền viên khác trên tàu.
Thiếu tá Lê Ðình Sơn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Rạch Gốc, cho biết, khi được tin báo qua hệ thống thông tin liên lạc, đồn hướng dẫn ông Nguyễn Hồng Xuân (41 tuổi, ngụ Hòn Ðất, Kiên Giang, thuyền trưởng tàu đánh cá KG 90658 TS) xử lý tình huống trên tàu, nhanh chóng điều khiển tàu chạy vào bờ, đồng thời tổ chức lực lượng ra biển hỗ trợ và bắt giữ các đối tượng đưa về đồn điều tra, xác minh. Ðối tượng cầm đầu là Châu Văn Tùng (24 tuổi, ngụ phường Vĩnh Quang, Rạch Giá, Kiên Giang) và 4 đối tượng khác khai nhận đã ứng của thuyền trưởng 20 triệu đồng, nhưng lấy lý do “không làm nổi” nên đã gây sự và ép thuyền trưởng đưa vào bờ. Ðể gây áp lực với thuyền trưởng, Tùng đã dùng xẻng đánh vào lưng thuyền viên Nguyễn Văn Duyên gây thương tích.
Ông Nguyễn Trung Hoàng (37 tuổi, ngụ Hà Tiên, Kiên Giang, thuyền trưởng tàu cá KG 61779 TS), bị đối tượng Lưu Văn Minh (thuyền viên, 44 tuổi, cùng ngụ Kiên Giang) dùng dao nhọn đâm trọng thương khi tàu đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển cách đảo Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 65 hải lý về hướng Nam Tây Nam. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã điều tàu cứu hộ, cứu nạn BP 10.08.01 và lực lượng ra biển đưa nạn nhân Hoàng vào cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa huyện Trần Văn Thời.
Ngoài các vụ gây thương tích trên biển, trong thời gian qua trên vùng biển Cà Mau cũng xuất hiện một số vụ tàu đánh cá của Kiên Giang đâm va làm sập các hàng đáy của ngư dân Cà Mau đóng trên biển, hoặc đâm va làm chìm, làm hư hỏng tàu cá loại nhỏ sau đó bỏ chạy.
Gần đây nhất, vào ngày 8/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đồn biên phòng trong tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát và truy tìm tàu đánh cá mang số KG 94242 TS của Kiên Giang để làm rõ hành vi gây tai nạn trên biển rồi bỏ chạy. Trình bày với Ðồn Biên phòng Hòn Chuối, ông Lâm Văn Lộc (ngụ Vĩnh Hoà, Ba Tri, Bến Tre, thuyền trưởng tàu đánh cá BT 92080 TS), cho biết, tàu của ông làm nghề giã cào, trên tàu có 6 người, khi đang hoạt động trên vùng biển cách đảo Hòn Chuối khoảng 20 hải lý về hướng Tây Nam thì bị tàu KG 94242 TS đâm va, làm hư hỏng và thiệt hại tài sản khoảng 30 triệu đồng. Sau đó tàu KG 94242 bỏ chạy.
Ông Nguyễn Văn Vũ (thuyền trưởng tàu câu mực mang số CM 98896 TS), nhớ lại: Khoảng 1 giờ 30 phút sáng 18/10, tàu của ông đang neo đậu trên biển thì bị một cặp cào đôi không rõ biển số đâm chìm, khiến 7 thuyền viên trên tàu trôi dạt trên biển. Nhờ có tàu khác phát hiện và thông báo nên đến khoảng 8 giờ 30 phút sáng cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn Ðồn Biên phòng Rạch Gốc đã tìm kiếm cứu vớt 7 anh em thuyền viên chúng tôi đưa vào bờ an toàn.
Tất cả các vụ việc xảy ra trong thời gian qua, lực lượng đồn biên phòng đã nỗ lực hỗ trợ ngư dân ngăn chặn, bắt các đối tượng, tổ chức lực lượng, phương tiện hỗ trợ người gặp nạn đưa cấp cứu, đồng thời tổ chức trục vớt, cứu kéo tàu, truy tìm tàu gây tai nạn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đây chỉ là các vụ điển hình đã xảy ra trên vùng biển Cà Mau trong thời gian qua. Ðã đến lúc các cơ quan chức năng Cà Mau cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh trật tự trên biển. Ðồng thời, ngư dân Cà Mau khi hoạt động trên biển cần đề cao cảnh giác, chấp hành tốt các quy định vùng, tuyến, nghề được phép hoạt động. Chủ động và nhanh chóng thông báo cho lực lượng biên phòng, các ngành chức năng khi có tình huống xấu xảy ra trên biển./.