Sau hơn 1 năm thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 37), có nhiều điều bất hợp lý trong cơ cấu giá cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Ngày/giường điều trị là chi phí lớn nhất
BHXH Việt Nam cho biết, trong quý I/2018 số lượt người khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) gia tăng và chi phí tăng rất nhiều, tăng gần 20% so với quý I/2017. Đáng lưu ý là trong cơ cấu chi phí KCB BHYT mà Quỹ BHYT chi trả trong quý I/2018, chi phí tiền ngày/giường điều trị vẫn là lớn nhất, với số tiền 3.711 tỷ đồng (quý I/2017 là 2.783 tỷ đồng), gia tăng gần 1.000 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, ông Vũ Xuân Bằng cho biết, một phần do tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng 8,6%. Tỷ lệ này được tính trên số bệnh nhân đến KCB bình quân cấp năm. Theo số liệu của ngành Y tế, những năm về trước cứ 100 người đi KCB thì có 5 đến 7 người vào điều trị nội trú nhưng hiện nay, cứ 100 người đến KCB thì có hơn 8 người vào điều trị nội trú. Số người vào điều trị nội trú tăng cao sẽ đẩy tiền giường tăng cao. Vì vậy, tuy ngày điều trị bình quân thấp xuống (ngày điều trị chung toàn quốc giảm từ 7,12 ngày/đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày) nhưng lượt vào điều trị nội trú lại tăng cao khiến cho tiền ngày giường tăng cao.
Một trong những nguyên nhân khác nữa là sự tác động của giá viện phí theo Thông tư 37. Theo Thông tư 37, tiền giường nằm tại bệnh viện giá rất cao, thấp nhất cũng gần 180.000 đồng/ngày điều trị, cao có thể lên tới 600.000 đến 700.000 đồng/ngày. Trong khi thực tế 1 phòng bệnh có từ 4 - 6 giường, tính bình quân khoảng 300.000 đồng/giường/ngày thì tiền giường của phòng đó đã là 1.800.000 đồng/ngày, bằng một phòng khách sạn khá. Khoản này còn chưa tính đến điều kiện là những giường này phải được tính toán cơ cấu giá có cả điều hòa, cây nước, máy hút ẩm…, trong khi mùa đông không chạy điều hòa và thực tế nhiều phòng bệnh không đủ các thiết bị theo tiêu chuẩn. Ông Bằng cho rằng, tất cả những điều đó đang thể hiện sự bất hợp lý, chưa chính xác của việc xây dựng cơ cấu giá tiền giường. Chính vì vậy, sau hơn 1 năm thực hiện việc điều chỉnh giá theo Thông tư 37 đã xuất hiện một số bất hợp lý. Có những địa phương, 40% - 50% chi phí BHYT là tiền giường, thậm chí có tỉnh còn 60% chi phí cho tiền giường. “Vậy bệnh nhân được gì? Tiền chi dành cho thuốc còn được bao nhiêu? Tiền cho dịch vụ kỹ thuật được bao nhiêu?”, ông Bằng đặt câu hỏi. “Nhìn vào khía cạnh bảo vệ quyền lợi của người bệnh thì tiền giường đang có vấn đề”, ông Bằng nhận định.
Phải đưa ra tiêu chí để xác định giá dịch vụ y tế phù hợp
Trước những bất cập về giá một số dịch vụ y tế, ông Bằng cho rằng, cần điều chỉnh về mức giá sát với thực tế cung cấp. Theo ông Bằng, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang tổ chức các đoàn khảo sát đánh giá lại, sửa lại một số dịch vụ kĩ thuật có chi phí cơ cấu bất hợp lý. Ngược lại cũng có một số dịch vụ kĩ thuật, vật tư y tế cao hơn cả tiền thanh toán cho bệnh viện. Ví dụ, dịch vụ thông tiểu: 1 ống thông giá đến 30.000 - 40.000 đồng, trong khi thanh toán chỉ có mười mấy ngàn đồng/ống. Vì vậy, phải điều chỉnh lại giá các dịch vụ kĩ thuật sát với chi phí thực tế và phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Ông Bằng cũng thông tin thêm, dự thảo điều chỉnh giá dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đang xây dựng, giá dịch vụ tiền giường sẽ tăng lên tại một số tuyến trung ương và giảm đi tại một số tuyến địa phương, bởi khi xây dựng giá theo Thông tư 37, lương tối thiểu chỉ là 1.150.000 đồng, còn bây giờ đang là 1.300.000 đồng và đến tháng 7/2018 là 1.390.000 đồng sẽ đẩy giá tiền giường lên. Tuy nhiên ông Bằng cho rằng, quan trọng không phải là giá cao hay thấp mà phải đưa ra một tiêu chí để xác định giá dịch vụ y tế cho phù hợp, thống nhất tiêu chí tiền giường dịch vụ kỹ thuật, tiền thuốc chiếm bao nhiêu % trong thanh toán chi phí KCB BHYT thì mới đảm bảo tính công bằng. Hiện BHXH Việt Nam đang kiến nghị Bộ Y tế phải xây dựng tiêu chí trước, từ đó đưa vào đánh giá và BHXH Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện điều này. Tất cả nhằm đưa giá dịch vụ y tế về sát với thực tế nhất, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Mai Lâm