Cụ thể, trong kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành; giao kế hoạch, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng dự trữ quốc gia chi từ ngân sách nhà nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát xoay quanh mức 7%.
Xăng theo thị trường, công khai, minh bạch
Theo đó, giá xăng dầu được điều hành bám sát theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản của Chính phủ sửa đổi bổ sung (nếu có). Kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, cơ quan quản lý giá cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không để thiếu nguồn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước. Thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.
Trước đó, cơ quan quản lý giá cho biết, trong năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm có xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã được giữ ổn định trong 09 lần điều hành, do kết hợp hài hòa việc tăng/giảm mức sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, và/hoặc giảm thuế nhập khẩu và/hoặc giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở.
Giá bán xăng dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh tăng 5 lần và giảm giá 6 lần. Các đợt điều hành giá xăng dầu đều được Bộ Tài chính, Bộ Công thương thực hiện công khai thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… Trong đó, từng yếu tố cấu thành giá trong giá cơ sở, các biện pháp bình ổn giá (thuế, phí, Quỹ BOG), việc niêm yết giá, các văn bản điều hành giá đều được thông tin công khai, minh bạch.
Tiếp tục lộ trình giá thị trường với than, điện, dịch vụ công
Đối với giá điện, việc điều chỉnh được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.
Đối với giá than bán cho điện, căn cứ vào các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, trên cơ sở báo cáo chi tiết của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam về kết quả kiểm toán giá thành than năm 2011, năm 2012, năm 2013, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương tính toán và báo cáo Thủ tướng Chính phủ giá than bán cho sản xuất điện cụ thể. Hướng đến mục tiêu giá than bán cho điện bù đắp được giá thành toàn bộ như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/12/2013 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2013.
Cũng theo cơ quan quản lý giá, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ được thực hiện như sau:
Năm 2014, giá dịch vụ khám chữa bệnh (KBCB) được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp gồm tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế thực hiện dịch vụ; tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí chi trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
Giai đoạn 2014-2017: Giá dịch vụ KBCB được tính trên cơ sở các khoản chi phí trực tiếp nêu trên; chi phí tiền lương, tiền công; chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí trả lãi tiền vay; chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện.
Giai đoạn từ năm 2018 trở đi: Giá dịch vụ KBCB được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ.
Đối với giá dịch vụ giáo dục (học phí), tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí năm học 2014-2015 từng bước điều chỉnh học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ tại các bậc mẫu giáo, phổ thông cơ sở, học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học./.
Hoàng Lâm