Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn - đã trao đổi xung quanh nội dung này. Thưa ông, Lạng Sơn đã có ưu tiên gì cho triển khai công tác khuyến công để hỗ trợ đối tượng thụ hưởng? Có thể khẳng định, khuyến công là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Kinh phí khuyến công như khoản vốn mồi giúp các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và giảm bớt khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất. Trong giai đoạn 2018 - 2022, Lạng Sơn đã tổ chức thực hiện và nghiệm thu 48 đề án khuyến công, trong đó, có 4 đề án khuyến công quốc gia, tổng số tiền trên 38,2 tỷ đồng. Vốn nhà nước hỗ trợ 7,76 tỷ đồng; thu hút từ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên 30 tỷ đồng. Như vậy, 1 đồng tiền vốn nhà nước bỏ ra thu hút được 3,9 đồng vốn đối ứng.
Việc đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất góp phần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm của các cơ sở CNNT, tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa. Hiện, nhiều hàng hóa đã ổn định về chất lượng, khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm, ưa thích và lựa chọn. Từ đó, đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất CNNT, đổi mới tư duy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... Lạng Sơn cũng tập trung ưu tiên, chú trọng đến các ngành sản xuất, chế biến có lợi thế của tỉnh, như: Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện môi trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được ưu tiên thường sử dụng nhiều lao động địa phương, sản xuất hàng CNNT tiêu biểu, sản xuất hàng xuất khẩu và các mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ cũng được lựa chọn ưu tiên. Là một tỉnh miền núi, đặc thù của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, năng lực tài chính, nhân lực hạn chế… đã tạo rào cản như thế nào tới việc triển khai cũng như hiệu quả đạt được của công tác khuyến công, thưa ông? Về khách quan, các cơ sở CNNT chưa phát triển, nguồn lực còn yếu, năng lực quản trị, trình độ lao động thấp. Quá trình thực hiện đề án, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau và giữa người sản xuất với người nông dân chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong cung cấp nguyên liệu đầu vào, cũng như thực hiện sản xuất. Mặc dù ưu tiên cho công tác khuyến công, tuy nhiên do kinh phí còn hạn hẹp, hàng năm địa phương chỉ bố trí khoảng 2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí của trung ương mặc dù được quan tâm nhưng còn tương đối khó khăn. Theo Luật Ngân sách, hàng năm, mặc dù đã có kế hoạch phân bổ kinh phí từ đầu kỳ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phải có đề án cụ thể mới giải ngân được. Quá trình từ phân bổ kinh phí đến thực hiện thời gian tương đối xa, dẫn tới nhiều thay đổi trong quá trình thực hiện các đề án khuyến công; khó khăn trong điều chỉnh. Mặt khác, việc tiếp cận đất đai để mở rộng nhà xưởng tại Lạng Sơn khó khăn. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh phát triển cụm công nghiệp nhằm tạo thêm mặt bằng sản xuất nhưng chưa cải thiện nhiều.
Nhằm khắc phục khó khăn, ông có đề xuất gì tới Bộ Công Thương, chính quyền địa phương để khuyến công phát huy tốt vai trò vốn mồi, khuyến khích sản xuất CNNT phát triển? Đề nghị Bộ Công Thương và tỉnh bố trí nguồn kinh phí phù hợp cho công tác khuyến công và đặc biệt quan tâm cho địa bàn có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đề án mang tính trình diễn, chuyển giao công nghệ cao, kể cả đề án đơn lẻ để có chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển giao và thay đổi công nghệ. Bên cạnh đó, mở rộng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi các quy trình lựa chọn phê duyệt tổ chức thực hiện nghiệm thu các đề án đồng bộ, thống nhất và đơn giản để thực hiện. Tuy nhiên, cũng phải chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu pháp lý và hiệu quả về thời gian. Địa phương có định hướng gì nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công, thưa ông? Để mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện một số nội dung. Thứ nhất, tăng cường thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, đối tượng, nội dung chính sách khuyến công trên các trang thông tin của sở, tỉnh, phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống ngành Công Thương từ trung ương đến cơ sở. Thứ hai, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công, doanh nghiệp cũng như cán bộ từ tỉnh đến xã. Qua đội ngũ này, lan tỏa công tác khuyến công đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt, triển khai thực hiện. Thứ ba, thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình nói chung và sản xuất ở nông thôn, sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Từ đó, tham mưu cho tỉnh xây dựng chính sách khuyến công đến đối tượng thụ hưởng... Xin cảm ơn ông! |