Quy mô thương mại điện tử đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 Trong khuôn khổ Triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 10-12/8/2023, sáng 11/8/2023, Tạp chí Hải quan phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025. Mặc dù thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó doanh nghiệp Việt phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến pháp lý, quản lý vận chuyển, chính sách và thủ tục hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.
Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên chưa có đủ cơ sở thống kê đầy đủ lượng hàng hóa này, tuy nhiên qua công tác quản lý hải quan cho thấy số lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là hàng giao dịch điện tử gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính. Chính vì vậy, bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban tổ chức - cho biết: Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội nói lên tiếng nói của mình và đưa ra những giải pháp hữu hiệu về đổi mới chính sách, quy trình quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, qua tọa đàm thúc đẩy hoàn thiện Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, là cơ sở để hoàn thiện chính sách hải quan thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển. Hoàn thiện chính sách, pháp luật - thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới Tại tọa đàm, các diễn giả đến từ các cơ quan như: Tổng cục Hải quan, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam… đã tập trung chia sẻ, thảo luận về thực trạng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và triển vọng mới; những rào cản, vướng mắc giữa cơ chế quản lý và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; đổi mới chính sách, quy trình quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.
Theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới (như tiền kỹ thuật số, mô hình kinh doanh ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo AI...) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý. Thêm vào đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm: Hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử nói chung đến các quy định điều chỉnh giao dịch thương mại điện tử nói riêng, hay các quy định về quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng... Do vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững. Để hạ tầng chính sách được hiệu quả đồng bộ, Quốc hội, Chính phủ hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Bà Lê Thị Hà cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý cho thương mại điện tử dần được hoàn thiện, thương mại điện tử là lĩnh vực hội tụ công nghệ, có sự thay đổi nhanh chóng và chịu sự điều chỉnh giao thoa của nhiều lĩnh vực, quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn đang còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Về việc xác định thương nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam; việc quản lý người bán nước ngoài trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước; về quản lý bán hàng trên các mạng xã hội nước ngoài… Từ đó những khó khăn, vướng mắc trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới như: Tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành liên quan; hoàn thiện pháp luật về quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử; thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử. “Nhằm hoàn thiện hơn nữa hạ tầng pháp luật cho hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, Bộ Công Thương đang được giao chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng sẽ sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử không thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng và người bán nước ngoài...”- bà Lê Thị Hà thông tin. |