Trong khi Nghị định thay thế Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đang được trình các cấp có thẩm quyền xem xét, Tổng cục Hải quan đã từng bước hướng dẫn để các đơn vị hải quan địa phương có căn cứ xử lý các vụ việc liên quan. Trước vướng mắc trong quá tình xử lý vi phạm hành chính của Cục Hải quan Bình Phước, theo Tổng cục Hải quan, Khoản 1, Điều 4 Luật Hải quan; Điểm c1.1 Khoản 1, Điều 50 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 thì hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất là hàng chuyển cửa khẩu. Hình thức xử phạt là biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu không đúng tuyến đường, lộ trình, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hải quan mà không có lý do xác đáng đã được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định trong lĩnh vực hải quan, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ. Theo đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Bình Phước căn cứ hồ sơ vụ việc, ý kiến giải trình của DN và hướng dẫn tại nội dung số 7.17 Bảng chỉ tiêu thông tin tờ khai vận chuyển độc lập- mẫu số 07, Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT- BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC và quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP đã được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP để xử lý vụ việc theo quy định. Liên quan đến vướng mắc quy định về không xử phạt vi phạm hành chính mà Cục Hải quan Quảng Nam nêu, Tổng cục Hải quan có ý kiến, trường hợp hàng hóa thực tế tồn kho thừa so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hàng hóa XNK thì căn cứ hồ sơ vụ việc cụ thể và các quy định tại Điểm c, d, Khoản 1 Điều 3. Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tại Khoản 3, Điều 7, Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 1 Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP cơ quan Hải quan xác định làm rõ nguyên nhân dẫn đến tồn kho thừa là do các hành vi vi phạm cụ thể đã được quy định chế tài xử phạt như: NK hàng hóa thừa so với khai hải quan, khai nhiều hơn so với thực tế hàng hóa XK, làm thủ tục XK nhưng không XK sản phẩm, XK sản phẩm theo loại hình gia công, sản xuất XK hoặc XK sản phẩm ra nước ngoài của DN chế xuất mà sản phẩm XK không được sản xuất từ nguyên liệu đã NK thì xử phạt về các hành vi vi phạm này. Trong đó, cơ quan Hải quan có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm và chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Do đó, trường hợp cơ quan Hải quan không có cơ sở xác định nguyên nhân tồn kho thừa để xác định hành vi vi phạm cụ thể thì không xử phạt. Cục Hải quan Hà Nội nêu vướng mắc liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với nguyên vật liệu NK để sản xuất hàng XK mang đi thuê gia công lại. Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN NK nguyên liệu, vật tư, linh kiện theo loại hình sản xuất XK nhưng đưa nguyên liệu, vật tư, linh kiện đi thuê các công ty khác trong nước gia công là không đảm bảo cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, theo Tổng cục Hải quan số nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã đưa đi thuê các công ty khác trong nước gia công không thuộc đối tượng miễn thuế quy định tại Khoản 7, Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK. Do đó, trường hợp này xử phạt về hành vi “khai sai đối tượng miễn thuế” quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 127/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP. Cũng hướng dẫn vướng mắc cho Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh liên quan đến hành vi NK hàng hóa không thuộc danh mục phế liệu được phép NK, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với hành vi này, đối với hành vi NK hàng hóa không thuộc danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh căn cứ hồ sơ thực tế vụ việc và quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 và Khoản 7, Khoản 8 Điều 25; Khoản 3 Điều 48 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử lý. Liên quan đến xử lý hàng hóa NK vi phạm về ghi nhãn theo vướng mắc của Cục Hải quan Hải Phòng, Tổng cục Hải quan cho rằng, Cục Hải quan Hải Phòng cần rà soát hồ sơ, căn cứ các quy định tại Khoản 2, Điều 6b, Điều 6c, Điều 6d Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được bổ sung tại Khoản 9, 10, 11 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP; Điều 6 Thông tư 153/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ NSNN đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện. |