| Thị trường bất động sản 2020 vẫn có nhiều điểm sáng | | Bất động sản 2021 vẫn hấp dẫn dòng tiền đầu tư | | Kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2021 |
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dịch Covid-19 tác động mạnh, làm suy giảm sức phát triển và yếu đi lực cầu, do đó, nửa đầu năm 2020, giao dịch thị trường đóng băng. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, dù có hai đợt dịch bùng phát nhưng thị trường vẫn thể hiện tiềm năng, các DN cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới, nguồn cung mới đạt 60.000 sản phẩm, tương đương 87,6% so với năm 2019, con số vô cùng ấn tượng trong bối cảnh Covid-19. Con số giao dịch đạt kết quả ấn tượng với 74.500 sản phẩm đã được giao dịch thành công, tương đương 50% giao dịch thành công của năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ rất cao, tại TPHCM lên đến 80%, giá bất động sản tại nhiều địa phương tăng. Dự báo về thị trường năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng khó có nguy cơ ảo hay bong bóng, ngược lại, thị trường sẽ bền vững hơn năm 2020. Thị trường có cơ hội khai thác kinh doanh tốt. Đầu tư BĐS du lịch sẽ không chỉ dừng lại ở phía biển mà còn gần hơn với khu rừng núi. Ông Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, giá BĐS năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020. Chính phủ cũng đã có nhiều động thái tích cực từ trong năm 2020 và cả năm 2021, đây là động thái quyết liệt để cởi trói cho thị trường. Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, 5 tháng cuối năm 2020, thị trường BĐS đã có những yếu tố bùng lên, tạo tiền đề cho năm 2021 khởi sắc hơn. Nhận định về thị trường năm 2021, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng năm nay và những năm tiếp theo, thanh khoản cao hơn rất nhiều so với năm 2020. Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2021 có 6 xung lực rất mới cho thị trường BĐS. Thứ nhất, về kinh tế vĩ mô, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5-7%. Thứ hai là xung lực về pháp lý, các văn bản pháp luật đã được tinh giản và sửa đổi đáng kể. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ. Thứ ba là xung lực từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Thứ tư là giải ngân vốn đầu tư công. Khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là một kênh tạo ra hệ số lan toả cực kỳ lớn. Năm 2020, việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đã đóng góp khoảng 6,5% tương ứng 0,02 điểm% trong mức 2,91% tăng trưởng năm 2020. Thứ năm là xung lực từ chuyển đổi số cực kỳ nhanh và hiệu quả. Trong số các DN BĐS ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để bán hàng, marketing, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh tốt để huy động vốn. Thứ sáu là xung lực từ lãi suất. Hiện lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 15 năm, ở mức 8-10% tuỳ vào thời hạn. “Giai đoạn 2011-2012 lãi suất cao gấp đôi so với bây giờ. Đây là thời điểm thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình mua nhà cửa, kể cả đi vay”, ông Cấn Văn Lực nói. |