Thêm kỳ vọng
Chỉ thị của Thủ tướng đã thẳng thắn vạch ra những hạn chế còn tồn tại sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 như: Một số cơ chế,ểnkhainghịquyếtDoanhnghiệpmongrốtráogiảiquyếttồntạkết quả tứ kết c1 chính sách đang áp dụng chưa phù hợp; việc triển khai thực hiện một số giải pháp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; còn có khoảng cách giữa chính sách và thực thi ở nhiều lĩnh vực nổi cộm như thủ tục hành chính trong XNK, giấy phép con, tiếp cận đất đai, vốn, tài nguyên, công tác thanh tra kiểm tra DN còn chồng chéo...; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất, chặt chẽ trong việc hướng dẫn DN.
Nói cụ thể về những vướng mắc còn tồn tại của DN, theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa rõ ràng nên dẫn đến tình trạng mỗi đối tượng lại hiểu khác nhau, khiến thủ tục hành chính rơi vào khó khăn. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại cơ chế xin – cho , chưa tạo thuận lợi cho DN khiến DN gặp khó khăn. “Khâu xin quy hoạch xây dựng cần quy định rõ ràng về mật độ, chiều cao và DN chỉ cần tự động đăng ký xây dựng. Tuy nhiên hiện tại vẫn có quá nhiều khâu thủ tục khiến cho DN mất thời gian. REE có dự án xây một tòa nhà và chính quyền thành phố yêu cầu giải trình về vấn đề giao thông vì những năm qua giao thông của thành phố khá căng thẳng. Chỉ giải trình vấn đề này đã mất 7 tháng, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai dự án”, bà Thanh cho hay.
Đặc biệt, sau khi tiếp thu các ý kiến của DN về vấn đề chi phí đầu vào ở mức cao, Chỉ thị của Thủ tướng đã nhấn mạnh đến việc giảm chi phí này bằng cách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát các loại chi phí để xem xét giảm. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Cát Lợi cho rằng, với DN, chi phí đầu vào giảm được một đồng cũng quý, số tiền tiết kiệm được sẽ được tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao giá trị sản phẩm và DN sẽ quay trở lại đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn.
Chỉ thị được ra đời ngay sau cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với DN, nhiều ý kiến được đưa ra với sự cam kết sẽ có giải pháp thấu đáo, cụ thể. Chính vì thế, các DN đánh giá Chỉ thị đã hiện thực hóa những cam kết này, giúp DN tăng niềm tin và kỳ vọng vào sự đồng hành của Chính phủ với sự phát triển của DN. Những chỉ đạo như sửa đổi quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện cho DN; đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đẩy mạnh việc công nhận kết quả kiểm tra theo thỏa thuận… được các DN đánh giá cao, bởi hiện nay, các thủ tục liên quan đến XNK còn vướng mắc ở nhiều khâu, do thiếu sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, một mặt hàng phải gánh sự kiểm tra của nhiều cơ quan… khiến DN hết sức khó khăn trong hoạt động giao thương. Hơn nữa, cũng chính từ những khó khăn này đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như “đút lót”, gian lận thương mại…
Cần thời gian
Nhìn chung, các DN đều cho rằng, nếu các cấp, ngành làm tốt những yêu cầu như Chỉ thị nêu thì chắc chắn trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, các DN yên tâm sản xuất hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sự thay đổi nào cũng cần phải có lộ trình và thời gian. “Chúng ta đã ban hành rất nhiều luật lệ, nghị định, thông tư. Ví dụ, với phí và lệ phí, tỉnh cũng có, trung ương cũng có, các bộ ngành cũng được ban hành. Vậy, những loại văn bản này sẽ phải sửa chữa như thế nào? Vấn đề này cần thời gian và quyết tâm xuyên suốt từ người đứng đầu đến người thừa hành”, ông Quyền nói.
Bên cạnh đó, “căn bệnh” cố hữu trong điều hành, quản lý tại nước ta là “trên bảo, dưới không nghe”, hoặc chỉ thực hiện theo kiểu phong trào, hô hào thì làm, hết hô hào lại trở về như cũ. Điều này khiến không ít DN lo ngại về hiệu quả của Chỉ thị. Nhưng ông Nguyễn Thành Long cho rằng, hơn 1 năm nay, Chính phủ đã cho thấy sự quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho DN, nhiều phản ánh đã được xử lý nghiêm khắc, nhanh chóng. Đặc biệt, Chỉ thị đã nhấn mạnh đến việc tăng cường trách nhiệm, kịp thời xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và DN.
Có thể thấy, Chỉ thị 26 của Thủ tướng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ dựa trên việc ghi nhận vướng mắc của DN trong thời gian qua. Nhưng để thực hiện được hết những vấn đề này không thể trong ngày một, ngày hai. Chưa kể trong hoạt động của DN, sẽ còn nhiều vướng mắc mới phát sinh, nên đây phải là một quá trình, khó có thể đi tới kết quả toàn diện. Vì thế, kiến nghị, vướng mắc của DN vẫn liên tục được tiếp nhận, định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo Chính phủ với tinh thần công khai, nhiệt tình, minh bạch. Đây sẽ là động lực lớn nhất để các DN lạc quan hơn vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.