10 năm chỉ thăng không trầm của cổ phiếu Hòa PhátNếu nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG thời điểm cách đây 10 năm và “cất tủ” cho đến nay thì khoản đầu tư này đã mang lại mức sinh lời lên đến hơn 2.100%.Cổ phiếu quốc dân Sự bùng nổ về mặt thanh khoản của cổ phiếu HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) bắt đầu từ cuối năm 2020 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng đầu năm 2021. Thống kê 3 tháng gần đây cho thấy, bình quân mỗi ngày có gần 23 triệu cổ phiếu HPG được đổi chủ, tương ứng giá trị giao dịch cả nghìn tỷ đồng. Liên tục hút tiền "khủng", không ngạc nhiên khi HPG thuộc top tăng trưởng ấn tượng nhất trong nhóm Bluechips và vượt trội so với VN-Index kể từ đáy Covid hồi cuối tháng 3/2020. Lần lượt vượt đỉnh lịch sử và thiết lập những mức đỉnh cao mới, thị giá HPG hiện ở mức 56.400 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 4 lần trong vòng 1 năm trở lại đây. Với mức thị giá hiện tại, Hòa Phát đã vươn lên thứ 5 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị vốn hóa vào khoảng 187.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD), con số này thậm chí đã gấp hơn 22 lần so với thời điểm cách đây 10 năm. Để dễ hình dung, nếu nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG thời điểm cách đây 10 năm và “cất tủ” cho đến nay thì khoản đầu tư này đã mang lại mức sinh lời lên đến hơn 2.100%. Một điều tưởng chừng như không tưởng lại đang trở thành hiện thực với cổ đông lâu năm của Hòa Phát. Không quá khi ví HPG như “cổ phiếu quốc dân” bởi sức hút rất lớn đối với đông đảo các nhà đầu tư cá nhân ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, Hòa Phát có lẽ là doanh nghiệp hiếm hoi được các cổ đông lớn tuổi, trung bình từ 60-70 tuổi đặc biệt ưa thích đầu tư dài hạn, thậm chí có cả những cổ đông xếp vào "người cao tuổi" lên tới hơn 80 cũng đã dự tới cả chục kỳ đại hội cổ đông. Minh chứng rõ ràng nhất về cổ đông được hái quả ngọt khi nắm giữ HPG suốt những năm qua chính là Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long. Tài sản tăng vọt nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu HPG trong một năm qua đã đưa ông Long lên vị trí thứ 3 trong danh sách những tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam theo Forbes với khối tài sản ước tính 2,2 tỷ USD (đến ngày 5/3/2021), xếp hạng 1.444 trên thế giới. "Gã khổng lồ" ngành thép tiếp tục chuyển mình Để đạt được vị thế như hiện nay, Hòa Phát cũng đã trải qua quá trình hình thành, phát triển ngót nghét 30 năm với nhiều thăng trầm nhưng cũng không ít thành tựu. Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực nội thất (1995), ống thép (1996), thép (2000), điện lạnh (2001), bất động sản (2001) và năm 2015 bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2007 ghi nhận nhiều dấu mốc quan trọng khi Hòa Phát bắt đầu tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn với công ty mẹ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và các công ty thành viên. Đặc biệt, Hòa Phát đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã giao dịch HPGvào giữa tháng 11/2007. Cũng trong năm này, Tập đoàn đã bắt đầu triển khai Khu liên hợp Sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương. Đến năm 2013, Khu Liên hợp này hoàn thành đầu tư giai đoạn 2, nâng tổng công suất thép Hòa Phát lên 1,15 triệu tấn/năm. Con số này tiếp tục được nâng lên hơn 2 triệu tấn/năm sau khi giai đoạn 3 hoàn thành vào đầu năm 2016. 10 năm sau khi lên sàn, năm 2017 tiếp tục đánh dấu thêm một bước phát triển mới của Hòa Phát khi Tập đoàn thành lập Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và triển khai Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi có quy mô 4 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng. Hai lò cao đầu tiên của Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức được đưa vào vận hành năm 2019 nâng tổng công suất thép xây dựng của Hòa Phát lên 4,4 triệu tấn/năm, qua đó ngày càng củng cố vị thế số 1 về thị phần thép tại Việt Nam. Đến đầu năm 2021, lò cao số 4 đã được đưa vào hoạt động, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ dự án, tổng công suất thép thô của Hòa Phát tiếp tục được nâng lên 8 triệu tấn/năm. Cùng với sự chuyển mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ của Hòa Phát cũng liên tục được gia tăng qua từng năm. Từ mức 1.320 tỷ đồng thời điểm mới lên sàn, đến nay vốn điều lệ của “đại gia” ngành thép đã lên đến 33.133 tỷ đồng, thuộc vào nhóm lớn nhất sàn chứng khoán. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và các năm sắp tới nhờ chính sách cổ tức đều đặn bằng cổ phiếu đang được cổ đông ủng hộ. Ngay tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa qua, cổ đông Hòa Phát cũng đã thông qua việc nâng mức cổ tức năm 2020 từ 35% lên 40%, trong đó cổ tức bằng cổ phiếu tăng từ 30% lên 35%. Như vậy, vốn điều lệ của Hòa Phát có thể tăng lên mức gần 45.000 tỷ đồng dự kiến trong năm 2021. Đương nhiên, việc duy trì chính sách cổ tức cao cho cổ đông còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tăng trưởng kinh doanh của Hòa Phát trong các năm tới. Tham vọng doanh thu 120.000 tỷ đồng Năm 2021, Hoà Phát lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020. Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, đây sẽ là năm đầu tiên doanh thu của Hòa Phát vượt 100.000 tỷ đồng. Con số này tương đối khả thi khi chỉ sau quý đầu tiên, Hoà Phát đã ước đạt 31.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 7.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần quý I/2020. Theo Ban lãnh đạo chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, kết quả kinh doanh quý II có thể tốt hơn quý I. Đáng chú ý, trong quý I/2021, Hòa Phát đã hoàn tất thoái vốn mảng nội thất qua đó mang về 500 tỷ đồng lợi nhuận. Theo như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, đây là một bước đi bắt buộc đối với tham vọng làm lớn của Hòa Phát. Tập đoàn sẽ tiếp tục chiến lược “Tối ưu hóa hệ sinh thái” tập trung phát triển 4 mảng chính bao gồm: (i) Tổng công ty Gang thép (Thép Hoà Phát Hưng Yên, Hoà Phát Hải Dương, Hoà Phát Dung Quất, Đầu tư Khoáng sản An Thông); (ii) Tổng công ty sản phẩm thép (Ống thép Hoà Phát, Tôn Hoà Phát, Chế tạo kim loại Hoà Phát, Sản xuất Container Hoà Phát, Điện lạnh Hoà Phát); (iii) Tổng công ty nông nghiệp (Thức ăn chăn nuôi Hoà phát Hưng Yên, Phát triển chăn nuôi Hoà Phát, Thương mại Hoà Phát, gia cầm Hoà Phát); (iv) Tổng công ty bất động sản: CTCP xây dựng phát triển đô thị Hoà Phát, BDS Hoà Phát Hà Nội, BĐS Hoà Phát Sài Gòn. Với nông nghiệp và bất động sản, Hòa Phát không giấu tham vọng phát triển trở thành tập đoàn đa ngành như lời chia sẻ của ông Long bên lề Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa qua "Không ai làm thép mãi được. Doanh thu sau này 200.000 tỷ thì Hòa Phát phải đa ngành, trong đó có bất động sản". Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản nhà ở và hiện đang “đi bằng hai chân” khi lấn sân vào lĩnh vực này với việc song song đẩy mạnh các hoạt động M&A bên cạnh nghiên cứu phát triển quỹ đất. Ngoài ra, các Khu công nghiệp của Hòa Phát tại Hưng Yên và Hà Nam như KCN Phố Nối A, KCN Yên Mỹ II, KCN Hòa Mạc tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỷ lệ lấp đầy các KCN này hiện đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực nông nghiệp cũng liên tục ghi nhận sự tăng trưởng qua đó đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế năm 2020. Hòa Phát đã định hình vị thế hàng đầu sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp, vượt qua nhiều tên tuổi lâu năm trong ngành. Trong đó, thị phần bò Úc chiếm 50%, trứng gà sạch đã đạt sản lượng 700.000 quả/ngày, góp mặt trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi heo với gần 400.000 heo (gồm cả heo thịt và heo giống).
|