Thời gian qua,ủahợptcxnngnghiệkqbd dusseldorf các HTX trên địa bàn huyện Vị Thủy ngày càng phát triển về quy mô, diện tích và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng giá trị nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân địa phương.
HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Thuận Tiến chuẩn bị đầy đủ máy móc phục vụ canh tác lúa.
Mấy ngày qua, không khí ở HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Thuận Tiến sôi động hơn hẳn từ buổi họp giữa ban giám đốc HTX với đông đảo thành viên tham gia sản xuất lúa trong vụ Đông xuân tới. HTX chuyên sản xuất lúa giống theo tiêu chuẩn và được Công ty giống cây trồng miền Nam bao tiêu trong 2 năm qua với giá cả ổn định. Thành viên của HTX đến từ nhiều ấp khác nhau trên địa bàn xã Vĩnh Thuận Tây.
Ông Trương Phú Quốc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Thuận Tiến, cho hay: Năm 2017, tổng diện tích sản xuất lúa giống tham gia HTX chỉ trên 18ha (6 thành viên), vụ Hè thu năm 2019 đã tăng lên 36ha và sắp tới dự kiến sẽ tăng lên trên 45ha trong vụ Đông xuân. Trong đó, có khoảng 30ha đăng ký thực hiện theo mô hình canh tác lúa thông minh. Vụ lúa vừa qua, toàn diện tích của HTX trồng lúa giống Đài Thơm 8 được bao tiêu với giá 5.900 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 800 đồng/kg nên bà con ai cũng phấn khởi.
Theo ông Võ Văn Ân, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Thuận Tiến, ngoài thuận lợi về giá cả khi bán ra, HTX còn hỗ trợ xã viên chi phí cấy lúa. Mỗi công chỉ tốn 270.000 đồng, thấp hơn 30.000 đồng so với giá thị trường. Ngoài ra, trong các vụ tới, ban giám đốc HTX còn dự kiến lập đội nhân công thực hiện khử lẫn trong lúa để tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương và tạo thuận lợi cho các xã viên trong canh tác. Bởi hiện nay nhân công khó tìm và giá cả còn cao hơn nếu thuê người ngoài địa phương như các vụ trước.
Anh Nguyễn Văn Lực, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, cũng vừa đăng ký tham gia HTX, chia sẻ: “Tham gia HTX, tôi mong có được nhiều lợi ích khi giá cả ổn định và được đơn vị bao tiêu. Dù phải thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo yêu cầu, khó hơn so với cách làm truyền thống nhưng ban giám đốc đã triển khai ngay từ đầu và có người hỗ trợ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện nên bước đầu tôi cũng mạnh dạn đăng ký tham gia”.
Được biết, toàn huyện Vị Thủy có 19 HTX nông nghiệp, trong đó nhiều HTX đã đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho các xã viên, nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản trên địa bàn, nhất là cây lúa. Từ mô hình trồng lúa, sử dụng phương pháp cấy kết hợp vùi phân bón thông minh trên địa bàn xã Vị Thắng, có thể thấy hiệu quả mang lại là lúa đạt năng suất và chất lượng tốt hơn so với phương pháp truyền thống, đặc biệt là giảm tỷ lệ đổ ngã. Do đó, trong vụ Đông xuân 2019-2020, theo kế hoạch của địa phương sẽ nhân rộng mô hình này lên khoảng 120ha, tập trung vào các HTX nông nghiệp.
Triển khai mô hình ở HTX có nhiều thuận lợi trong công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con. Mặt khác, khi tham gia HTX, người dân đều có ý thức cao về vai trò của kinh tế hợp tác, biết được yêu cầu ngày càng cao và sức cạnh tranh trên thị trường nên cần chú trọng vào chất lượng hơn là sản lượng. Tham gia HTX cũng là bước đầu thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, bởi hầu hết ban giám đốc HTX đều ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, thông tin: Thực hiện theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để vực dậy sản xuất lúa trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đầu năm đến nay, phòng nông nghiệp đã triển khai nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các HTX, đồng thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp vận động hội viên cùng tham gia. Đến nay, các HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Thuận Tiến, HTX nông nghiệp Hai Huynh, HTX nông nghiệp Bắc Xà No đã đăng ký thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh. Ngành sẽ tiến hành chọn lọc các xã viên có diện tích phù hợp và đủ điều kiện thực hiện để triển khai mô hình trong vụ Đông xuân 2019-2020.
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC